Vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng: Qua sông lụy... ông thẩm định
Thủ tục cấp phép vận tải hàng siêu trường, siêu trọng vẫn mang tính hình thức và phát sinh nhiều tiêu cực đã kéo dài nhiều năm qua mà chưa biết bao giờ mới có hồi kết?
Ông Trần Hoàng K, giám đốc Công ty TNHH vận tải T.H (doanh nghiệp vận tải siêu trường, siêu trọng ở Hải Phòng) cho biết, mỗi khi doanh nghiệp có đơn hàng vận chuyển siêu trường, siêu trọng từ Hải Phòng đi Lạng Sơn, doanh nghiệp đều phải xin cấp phép lưu hành. Cơ quan cấp phép thường yêu cầu doanh nghiệp phải trình phương án vận chuyển, thử tải cầu đường hoặc thuê đơn vị tư vấn độc lập thực hiện việc tính toán để thẩm định lại. Sau đó, cơ quan chức năng mới quyết định có cấp phép hay không.
Các cơ quan cấp phép thường yêu cầu doanh nghiệp phải trình bày phương án vận tải, tính toán, thử tải cầu hoặc thuê một đơn vị tư vấn thực hiện việc tính toán. Trên cơ sở tính toán của doanh nghiệp hoặc đơn vị tư vấn, cơ quan cấp phép sẽ thẩm định lại và quyết định có cấp phép hay không, thời hạn thẩm định trong vòng hai ngày. “Tuy nhiên, việc khảo sát phương án vận tải và thủ tục thẩm định thường ít nhất cũng phải mất 1 đến 2 tháng. Chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu” – ông K cho biết.
Thậm chí, mới đây doanh nghiệp này vận chuyển 1 chuyến hàng từ cảng Cát Lái đi Bình Thuận khoảng gần 200km nhưng hồ sơ khảo sát thẩm định cung đường của đơn vị này dày gần 100 trang và mức chi phí lên đến cả trăm triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Xe tải trọng biển kiểm soát Lào “đại náo” đường Việt: “Siết” các phương tiện vận tải liên vận
05:20, 13/01/2020
Nghệ An: Người dân tập kết đất, đá ngăn chặn xe tải trọng lớn đi qua
19:30, 07/04/2019
Thanh Hóa: Xe tải trọng lớn cày nát đường Nghi Sơn – Bãi Trành
11:12, 01/08/2018
Trao đổi với DĐDN, một doanh nghiệp dấu tên nhận xét, việc để doanh nghiệp tự khảo sát, thử tải cầu đường chỉ mang tính hình thức và phát sinh thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thực chất, tải trọng từng cây cầu, từng tuyến đường có sẵn trong tay Cục đường bộ hoặc ngành giao thông các địa phương. Thế nên, thay vì mỗi lần khảo sát, thử tải… doanh nghiệp chỉ cần trình phương án vận chuyển và căn cứ “ba rem” tải trọng cầu, đường là cơ quan chức năng có thể áp dụng cấp giấy phép nhằm tránh tốn kém kinh phí, thời gian cho doanh nghiệp.
Có những tuyến đường qua hàng chục, hàng trăm cây cầu lớn nhỏ nên việc thử tải, tính toán mất rất nhiều thời gian và chi phí. Thực tế sau khi có kết quả thử tải, cơ quan quản lý giao thông mất thêm 2-3 tháng để trả lời. Ngoài việc mất quá nhiều chi phí thủ tục “thừa”, nếu mất quá nhiều thời gian trong quá trình xin cấp phép dẫn đến hàng về cảng phải chi thêm vài trăm triệu đồng cho việc lưu container. Tất cả những chi phí thủ tục nói trên hoàn toàn có thể tiết giảm trong thời đại công nghệ số hôm nay. Tuy nhiên không hiểu vì sao Bộ GTVT chưa áp dụng?