Báo động tai nạn giao thông xe đạp điện, xe máy điện (Bài 3): Đưa phương tiện vào diện quản lý
Được cho là một trong những phương tiện tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến TNGT gia tăng, đặc biệt, đối với lứa tuổi học sinh, tuy nhiên, hiện nay, xe đạp điện, xe máy điện vẫn đang nằm ngoài vùng quản lý.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin tại số báo 42 (2.356) ra ngày 22/5/2020, “lỗ hổng” dẫn đến tình trạng TNGT ở trẻ em ngày một gia tăng từ việc sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện xuất phát từ ý thức của người dùng, không chỉ thiếu kiến thức về vận hành phương tiện khi tham gia giao thông mà còn tự ý thay đổi tốc độ theo nhu cầu sử dụng. Đáng nói, đây là hiện trạng đang diễn ra ngày một phổ biến nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế.
“Đánh trống bỏ dùi”?
Nhằm thiết lập trật tự An toàn giao thông đối với các loại hình phương tiện là xe điện, tại Thông tư số 54/2015, Bộ Công an đã bổ sung quy định: từ ngày 06/12/2015 đến ngày 30/06/2016, xe mô tô điện, xe máy điện phải thực hiện việc đăng ký bắt buộc. Trong khoảng thời gian nêu trên, việc đăng ký cho phương tiện là linh hoạt và hoàn toàn miễn phí. Sau ngày 30/06/2016, các loại phương tiện trên nếu không đăng ký mà tiến hành tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế việc đăng ký quản lý phương tiện là xe điện cũng vẫn bị bỏ ngỏ, đặc biệt là nếu chỉ quy định bắt buộc quản lý với mình loại hình mô tô điện và xe máy điện theo Thông tư của Bộ Công an là chưa đủ bởi hiện tại, các loại phương tiện là xe đạp điện nhưng vận tốc thực tế đã thay đổi nhiều so với quy chuẩn được cấp phép tham gia giao thông.
Không chỉ có vậy, quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT vẫn chưa đưa thông tư số 54/2015/TT-BCA trong việc quản lý phương tiện là xe điện vào thực tiễn, vậy nên việc chấp hành trật tự an toàn giao thông của các phương tiện là xe điện hiện nay vẫn còn như: vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm,… diễn ra phổ biến.
Cấp bằng cho xe đạp điện?
Điều kiện người lái xe tham gia giao thông đã có quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy phép lái xe, đây là điều kiện bắt buộc không thể chối bỏ, tuy nhiên, đối với phương tiện là xe đạp điện, xe máy điện thì điều kiện này đang hoàn toàn bỏ ngỏ, trong khi kiến thức về điều khiển phương tiện cũng chưa được trang bị một cách đầy đủ.
Trao đổi với PV về hiện trạng trên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty luật HPVN cho biết: Cần phải đưa phương tiện xe đạp điện, xe máy điện vào diện quản lý theo các điều khoản quy định của pháp luật. Bởi, trên thế giới hiện nay quy định về độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy hạng nhẹ cũng đã được áp dụng như: Tại Singapore, Trung Quốc và Isarel theo quy định trong Luật Giao thông đường bộ thì độ tuổi được phép điều khiển xe đạp điện là 16 tuổi trở lên; Tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ thì có quy định về 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển xe máy hạng nhẹ (bao gồm xe máy điện)…
Được biết, bên cạnh những kiến nghị đề xuất về sửa đổi những quy định trong Luật Giao thông đường bộ nhằm bổ sung quản lý phương tiện xe đạp điện, xe máy điện, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục Đào tạo về sửa đổi văn bản, quản lý chất lượng phương tiện, biên soạn tài liệu giáo dục an toàn giao thông và xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu vài năm trở lại đây, có đến 68% phụ huynh học sinh đồng tình về việc cần phải có giấy phép lái xe khi điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cần phải có giấy phép lái xe.
Có thể bạn quan tâm