Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi: Còn nhiều quy định “cải lùi”?
Quan điểm của các nhà quản lý khi xây dựng Dự thảo Luật Giao thông đường bộ còn quá cứng nhắc và dựa nhiều vào các mô hình quản lý cũ, chưa có tư duy đổi mới...
Điển hình nhất là cách tiếp cận đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải và các quy định quản lý đối với xe vận tải hành khách theo hợp đồng.
Kéo taxi công nghệ về cho bằng… taxi truyền thống
Tại khoản 1, Điều 117, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ quy định, “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.”
Với định nghĩa trên thì mọi dịch vụ hỗ trợ kết nối vận tải, ví dụ như Grab, Be hay GoViet, sẽ bị quy là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, và sẽ phải chịu các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Cùng với đó, trong việc liệt kê các công đoạn chính của chuỗi dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, Ban soạn thảo vẫn sử dụng cụm từ “quyết định giá cước vận tải” như một từ khóa quan trọng không thể bác bỏ - giống như các cuộc tranh cãi trước đây trong quá trình sửa đổi Nghị định 86 /2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thực ra điều này không có ý nghĩa gì. Mong muốn ép các dịch vụ đặt xe bằng phần mềm vào ngành vận tải với từ khóa “quyết định giá cước vận tải” chỉ gây tranh cãi không cần thiết.
Phương án, gợi ý giá được nêu ra trên ứng dụng di động cho cả người tiêu dùng lẫn người vận chuyển biết, nếu cả hai bên cùng chấp nhận, giao dịch được xác lập. Quyền tự quyết (party autonomy), khi đó vẫn thuộc về các bên giao dịch bằng việc có chạm vào nút “đặt xe”, “nhận cuốc” hay không. Không hề có đơn vị, doanh nghiệp nào “quyết định giá cước vận tải” cả. Tuy nhiên, trong những năm qua, cụm từ này vẫn được giữ nguyên với kỳ vọng sẽ mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng của các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô mà về bản chất, nó không có ý nghĩa như vậy.
Tạo thêm điều kiện kinh doanh
Việc xác định các điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như trong Dự thảo cũng chưa có tiêu chí rõ ràng, nhiều điều kiện kinh doanh, quy định quản lý không xuất phát trực tiếp từ yêu cầu bảo đảm lợi ích của xã hội và hành khách, mà chỉ phục vụ cho sự thuận tiện của công tác quản lý.
Theo đó, Điều 118 quy định các điều kiện kinh doanh chung cho toàn bộ các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có sự phân loại theo bản chất, yêu cầu thực tế của dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Sẽ rất vô lý nếu việc kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp cung ứng phần mềm kết nối, không cần thiết đến việc mua sắm phương tiện vận tải nhưng vẫn phải mua cho đầy đủ điều kiện dù có thể mua sắm xong nhưng không dùng.
Việc áp dụng một nhóm điều kiện chung cho tất cả sẽ có thể các doanh nghiệp phải mua sắm, trang bị đầy đủ như đối với doanh nghiệp cung ứng toàn bộ chuỗi dịch vụ. Nó không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn tạo ra sự quá tải về hạ tầng và đặc biệt là phá vỡ quy hoạch taxi – phương tiện được coi là cung cấp dịch vụ giao thông công cộng. Khi mà các đơn vị cung cấp ứng dụng môi giới hiện hành buộc phải chuyển sang ứng dụng điều hành, họ trở thành các công ty taxi chuyên nghiệp, thay vì chỉ khai thác thị trường ngách – các phương tiện cá nhân hoặc taxi đang nhàn rỗi.
Do đó, ở quy định này, tôi cho rằng cần thiết có sự cá biệt hóa các điều kiện kinh doanh phù hợp với từng dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.
Có thể bạn quan tâm
5 sửa đổi đáng chú ý của Luật Giao thông đường bộ
12:10, 02/06/2020
Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ: Thêm thủ tục không cần thiết, gia tăng sự chồng chéo
04:30, 24/05/2020
CHUYỆN “THẬT NHƯ ĐÙA”: Dùng xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ đi xử lý... vi phạm giao thông
10:19, 07/05/2020
"Giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Luật Giao thông đường bộ hiện hành"
17:29, 12/03/2020