Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 10): Lỗi tại… chủ đầu tư?

GIA NGUYỄN 21/07/2020 11:00

18 năm cho đoạn đường chỉ 2,1km, không chỉ lỗi từ khâu GPMB mà nhìn trên diện rộng, cũng cần xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, con số 1.300 tỉ đồng cho dự án, có tương xứng?

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, để giải tỏa lưu lượng phương tiện khu vực Linh Đàm, năm 2002, UBND TP. Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), tuyến đường nối từ Khương Trung (Thanh Xuân) đến Giải Phóng (đối diện với đường Kim Đồng hiện nay) dài 2,1km với tổng vốn đầu tư là 1.300 tỉ đồng. Thế nhưng, đã 18 năm trôi qua dự án vẫn chưa được hoàn thành…

Dự án đường vành đai 2,5 đang cho thấy hàng loạt yếu kém về năng lực thực hiện của chủ đầu tư khi 18 năm trôi qua, 2,1km đường vẫn ì ạch

Dự án đường vành đai 2,5 đang cho thấy hàng loạt yếu kém về năng lực thực hiện của chủ đầu tư khi 18 năm trôi qua, 2,1km đường vẫn ì ạch

Trong đó, khâu GPMB được UBND quận Hoàng Mai đảm nhiệm là 54.411m2 (phường Định Công: 51.333m2, phường Thịnh Liệt: 7.079m2), thế nhưng, cho tới nay, khâu GPMB vẫn còn tồn đọng, trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến giá đền bù cho diện tích đất kể trên là như thế nào? Quy trình ra sao? Vì đâu chậm tiến độ?

Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Minh Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết: UBND quận vẫn đang tiếp tục tuyên truyền cho số ít người dân chưa GPMB về quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong trường hợp, người dân vẫn cố tình không chấp hành thì tới đây, UBND quận sẽ thực hiện cưỡng chế. Hiện tại, về cơ bản mặt bằng đã được địa phương giải phóng xong(?).

Cũng theo ông Tú, việc GPMB tại dự án đường vành đai 2,5 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do nguồn gốc đất của người dân địa phương có nhiều phức tạp, UBND quận Hoàng Mai đã nhiều lần, có các văn bản gửi UBND TP. Hà Nội xin phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người dân, tùy vào từng loại đất, thời gian sử dụng sẽ có các phương án đền bù…(?).

Bên cạnh nội dung quy trình GPMB đã nêu, PV tiếp tục đề cập đến việc xin cung cấp thông tin liên quan đến phương án GPMB; vị trí, diện tích đất đối ứng phải trả cho chủ đầu tư; dự án chậm tiến độ trách nhiệm thuộc về ai;…?

Ông Vũ Minh Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai, cho rằng, UBND quận Hoàng

Ông Vũ Minh Tú – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai, cho rằng, UBND quận Hoàng Mai đã thực hiện gần như xong phần GPMB tại dự án đường vành đai 2,5

Ông Vũ Minh Tú cho hay: Liên quan đến toàn bộ dự án đường vành đai 2,5, UBND quận Hoàng Mai chỉ đảm nhận khâu GPMB, còn tiến độ và các khâu khác không thuộc thẩm quyền của đơn vị. Về các phương án bồi thường GPMB mà PV có đề cập đến, trung tâm chưa thể cung cấp được bởi phải xin ý kiến của lãnh đạo quận(?).

Theo như khẳng định của Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai thì tiến độ GPMB phục vụ cho dự án đã gần như xong, vậy tại sao con đường vẫn chưa hoàn thiện? Vướng mắc ở đâu? Hay năng lực của chủ đầu tư có hạn?

Được biết, liên quan đến dự án đường vành đai 2,5, năng lực của chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội và Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà cũng không ít lần khiến dư luận đặt dấu hỏi.

Không chỉ chậm tiến độ đường vành đai 2,5 chủ đầu tư dự án còn vướng vào hàng loạt các lùm xùm khác

Không chỉ chậm tiến độ đường vành đai 2,5, chủ đầu tư dự án còn vướng vào hàng loạt các lùm xùm khác trong hoạt động xây dựng

Không chỉ chậm tiến độ khi triển khai dự án xây dựng đường vành đai 2,5, hàng loạt dự án khác do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm nhà đầu tư cũng tồn tại nhiều vấn đề.

Như việc, để nhà đầu tư thu hồi vốn đầu tư công trình BT kể trên và tạo lợi nhuận hợp lý theo quy định, UBND TP. Hà Nội đã giao cho nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư, xây dựng và kinh doanh Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai. Diện tích khu đất thực hiện xây dựng khu đô thị mới khoảng 1.357.650 m2, trong đó trên địa bàn phường Đại Kim khoảng 74.928 m2 và phường Định Công khoảng 1.282.722 m2.

Thế nhưng, tại thời điểm dự án chưa được thành phố giao đất, chưa có giấy phép,… việc phân lô, bán nền dự án đô thị mới đã gây xôn xao trên thị trường bất động sản vào thời điểm các năm 2017, 2018, 2019.

Không chỉ có vậy, dự án xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai có địa chỉ ngõ 79, phố Thanh Đàm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội, cũng là một trong những dự án chậm tiến độ do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Đáng nói, mặc dù công trình chưa hoàn thiện, PCCC chưa được nghiệm thu, chủ đầu tư đã đưa người dân vào ở.

Ngoài hàng loạt "lùm xùm" tại các dự án đã nêu, năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà còn là 01 trong 07 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất lớn nhất tại Cục Thuế Hà Nội (số nợ chốt tại thời điểm 30/4/2019 là hơn 164 tỉ đồng).

Vậy, năng lực của chủ đầu tư ở đâu? Liệu chậm tiến độ có đang trở thành điệp khúc lặp lại với dự án đường vành đai 2,5? Khuất tất nào phía sau việc lựa chọn chủ đầu tư?

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 9): Tuyến đường 2,1km… 3 nhiệm kỳ chưa hoàn thành!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 9): Tuyến đường 2,1km… 3 nhiệm kỳ chưa hoàn thành!?

    06:30, 13/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 8): Nhiều địa phương vẫn đang… chạy “nước rút”!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 8): Nhiều địa phương vẫn đang… chạy “nước rút”!?

    06:06, 09/07/2020

  • Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    Hậu kỳ “khai tử” các dự án BT (Bài 7): Xong con đường, nhà trường… “mất đất”!?

    06:06, 02/07/2020

GIA NGUYỄN