Việc chạy “nước rút” hoàn thành thủ tục của những dự án BT trước giờ “khai tử” đang là thực trạng diễn ra tại không ít địa phương, tuy nhiên, đây là giải pháp cấp thiết hay chỉ “cố đấm ăn xôi”?
Thời gian cho các dự án được thực hiện theo phương thức BT (xây dựng – chuyển giao) đang ngày càng ngắn lại, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Chính vì lẽ đó, không ít địa phương đang chạy “nước rút” hoàn thành thủ tục của những dự án BT cuối cùng trước giờ “khai tử”…
Theo đó, thời gian vừa qua, sau khi Quốc hội chính thức thông qua Luật PPP, không ít địa phương đã công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, thông báo mời thầu đối với các dự án thực hiện theo phương thức Xây dựng – chuyển giao (BT).
Như, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã Dũng Liệt - Tam Đa - Đông Phong (huyện Yên Phong, Bắc Ninh), do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh mời thầu. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2020, với tổng vốn đầu tư hơn 429 tỷ đồng.
Hay, ngày 27/6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) cũng đăng thông báo mời thầu Dự án Cầu Lộc Bình số 1, đường giao thông và Khu tái định cư xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn theo phương thức PPP, loại hợp đồng BT. Tổng mức đầu tư dự án là 359 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ 2/7 đến 31/8/2020.
Tại tỉnh Hà Nam, trước đó, cũng có một số dự án đăng thông báo mời thầu rộng rãi như: Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm hành chính thị trấn Vĩnh Trụ (Hà Nam), đoạn từ Quốc lộ 38B đến đường nối Đường tỉnh 499 với Đường tỉnh 492 theo hợp đồng BT, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 111,51 tỷ đồng; thời gian phát hành HSMT từ ngày 29/6 đến 31/8/2020.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường DN2, PK2 và một phần tuyến PK-5, PK-1A, PK-1B thuộc Khu trung tâm hành chính huyện Thanh Liêm, cũng đang trong giai đoạn phát hành HSMT, dự kiến, thời điểm đóng thầu là 9 giờ ngày 7/7/2020.
Ngoài những dự án đã nêu, một số dự án BT khác tại Hà Nam cũng đã được địa phương công bố kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong quý III năm nay.
Thực trạng trên khiến dư luận không khỏi quan ngại, đặc biệt, nếu nhìn vào những bài học “nhãn tiền” từ các dự án trước đó, thì liệu chăng có cần phải chạy “nước rút”? “Nước rút” vào thời điểm này, liệu có phải “chạy” hợp đồng cho kịp tiến độ?
Trước đó, xoay quanh câu chuyện các dự án thực hiện theo phương thức BT bước vào hậu kỳ “khai tử”, Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hàng loạt những bất cập, tồn tại từ các dự án, công trình được thực hiện theo hình thức BT còn chưa được xử lý; hình thức thanh toán cho dự án BT chưa được minh bạch;… Và thực tế, cũng không ít dự án, sử dụng nguồn đất đối ứng trước nhưng dự án thì vẫn ì ạch, dậm chân tại chỗ phía sau, khiến mọi hệ lụy đổ đầu người dân và ngân sách.
Nhận định về thực trạng các dự án thực hiện theo phương thức BT trên báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cấp cao, Học viện Tài chính đã từng nhấn mạnh: tất cả những vấn đề bất cập, thất thoát, tham nhũng đất đai, xung đột lợi ích hay sự biến tướng của hợp đồng BT diễn ra trong thời gian qua đều do thiếu công khai, minh bạch. Nói đúng hơn, cơ chế công khai, minh bạch chỉ mới nằm ở lời nói, ở trên văn bản, còn thực tế thì hoàn toàn là... phi minh bạch.
Liệu, địa phương và các nhà đầu tư đang chạy “nước rút” vì tính cấp thiết hay vì “lợi ích” nên “cố đấm ăn xôi”? Và lợi nhuận màu mỡ từ các dự án BT, có đưa chính quyền địa phương và chủ đầu tư đi vào "vết xe đổ" của những sai phạm từ các dự án trước đó?
Cũng theo, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc xử lý chuyển tiếp các dự án BT giai đoạn hậu kỳ như thế nào, không phải là vấn đề đơn giản, bởi, đang có rất nhiều dự án BT dở dang, ở đây phải cần đến “bàn tay sạch” của các cơ quan quản lý Nhà nước…
Có thể bạn quan tâm