Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Không có bị hại vẫn kéo dài… vụ án?

GIA NGUYỄN 12/08/2020 04:50

Mặc dù doanh nghiệp và ngân hàng đã đưa nhau ra Tòa án dân sự để xử lý những khúc mắc liên quan đến vấn đề vay vốn, thế nhưng, cơ quan tố tụng vẫn chuẩn y, đưa vụ án ra hình sự hóa…

Xoay quanh câu chuyện hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và những hệ lụy phía sau, không ít doanh nhân, doanh nghiệp đã phải nếm “trái đắng” từ các phán quyết của cơ quan tố tụng dẫn đến oan sai và thiệt hại phải gánh là vô cùng lớn… Không giống như nhiều vụ việc đã từng xảy ra, câu chuyện về Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Đại (tiền thân là Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu) lại rơi vào vòng lao lý từ suy đoán có tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, mặc dù, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP. HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm…

Từng là một doanh nghiệp lớn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thế nhưng những ngày tháng vướng vòng lao lý, đã đẩy doanh nghiệp của ông Ngô Chí Dũng đi theo một chiều hướng khác

Từng là một doanh nghiệp lớn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thế nhưng những ngày tháng vướng vòng lao lý, đã đẩy doanh nghiệp của ông Ngô Chí Dũng đi theo một chiều hướng khác

Xuất phát từ hợp đồng tín dụng giữa Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu (Công ty Minh Hiếu) với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu (ngân hàng BIDV Bạc Liêu), có những khúc mắc trong việc giải quyết thanh toán hợp đồng đã ký nên đưa nhau ra Tòa án dân sự.

Tại Tòa, 2 bên đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc trả nợ và tài sản thế chấp của bên vay, vẫn lớn hơn số tiền vay.

Thế nhưng, khi vụ việc đang được tiến hành trên góc độ dân sự, thì các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bạc Liêu lại cho rằng, Công ty Minh Hiếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng BIDV Bạc Liêu, và ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam lãnh đạo của Công ty Minh Hiếu gồm: ông Ngô Chí Dũng – Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Út – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc; Huỳnh Thanh Đoàn – nguyên Kế toán trưởng. Trong khi, BIDV Bạc Liêu không có một thông tin nào tố cáo doanh nghiệp.

Từng là một doanh nghiệp lớn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, có lực lượng lao động hùng hậu với hàng nghìn công nhân, máy móc thiết bị hiện đại, trị giá hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên, sau hơn 3 năm vướng vòng lao lý, toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp cũng theo đó lụi tàn.

Tòa án Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã từng tuyên án phạt ông Ngô Chí Dũng, 20 năm tù với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, do TAND Cấp cao tại TP. HCM giải quyết, đơn vị này đã tuyên đã tuyên, hủy bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu vì cho rằng, vụ án bị vi phạm tố tụng nghiêm trọng, căn cứ buộc tội không đúng pháp luật, có dấu hiệu oan sai.

Mọi chuyện tưởng như xuôi chèo, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Bạc Liêu đã có kiến nghị hủy bản án phúc thẩm và có văn bản gửi TAND Tối cao, đề nghị được Giám đốc thẩm.

Khu vực nhà ăn từng phục vụ hàng nghìn công nhân mỗi ngày, nay trở nên hoang phế

Khu vực nhà ăn từng phục vụ hàng nghìn công nhân mỗi ngày, nay trở nên hoang phế

Tuy nhiên, ngày 31/12/2019, TAND Tối cao cũng có văn bản trả lời kiến nghị gửi đến TAND và VKSND tỉnh Bạc Liêu về vụ án, nội dung quan điểm của TAND Tối cao vẫn bảo lưu, đồng tình với quan điểm mà hội đồng xét xử phiên phúc thẩm đã đưa ra. Nhưng, vụ án vẫn chưa thể có hồi kết bởi các cơ quan tố tụng vẫn thích kéo dài dù không ai là bị hại.

Vậy, công lý ở đâu? Tại sao từ một vụ án kinh tế, dân sự lại cố tình đưa nó ra hình sự hóa?

Thông tin trên báo chí về vụ việc này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bạc Liêu là vi phạm Điều 100 của Bộ luật Tố tụng hình sự vì ngân hàng BIDV chỉ yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp để tránh Công ty Minh Hiếu tẩu tán tài sản chứ không phải tố cáo họ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo ông Nhưỡng, Tòa phúc thẩm cho rằng trong cùng một thời gian, cùng một nội dung vụ việc nhưng hai cơ quan tiến hành tố tụng lại tiến hành thụ lý giải quyết vụ án dân sự và vụ án hình sự là trái pháp luật, điều này là không thể chấp nhận được, bởi ngân hàng đang khởi kiện dân sự yêu cầu Công ty Minh Hiếu trả tiền.

“Pháp luật đã quy định rất rõ nếu vụ việc đã và đang được xem xét, thụ lý ở một hình thức tố tụng này thì không được giải quyết chồng lên bằng một hình thức tố tụng khác” – ông Nhưỡng nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Sau oan sai, thiệt hại bị... “bỏ quên”?

    05:00, 07/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Một cái gõ bàn… “toang” cả doanh nghiệp!?

    04:50, 04/08/2020

  • Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?

    Hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: “Mượn” pháp luật để… “làm càn”!?

    06:10, 01/08/2020

  • Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Bức tử” doanh nghiệp!?

    Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Bức tử” doanh nghiệp!?

    05:30, 24/07/2020

  • Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Rào cản” thu hút đầu tư

    Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự: “Rào cản” thu hút đầu tư

    04:50, 17/06/2020

GIA NGUYỄN