Không chỉ ám ảnh doanh nghiệp, gây nên hàng loạt hệ lụy xấu,… Hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự còn trở thành “rào cản” thu hút vốn đầu tư khi không tạo được môi trường thông thoáng, thuận lợi…
Không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, an ninh, an toàn để các doanh nghiệp bình đẳng, tin tưởng, an tâm sản xuất kinh doanh, tăng cường kiểm sát các vụ án kinh tế, dân sự để ngăn chặn việc hình sự hoá các vụ án kinh tế, dân sự, kiên trì nguyên tắc suy đoán vô tội,… là những khẳng định của người đứng đầu ngành Công an – Kiểm sát tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp gần đây.
Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy ranh giới giữa hình sự hóa và phi hình sự hóa là vô cùng mong manh, nhất là khi hàng loạt các bài học “nhãn tiền” vẫn còn đó và các hệ lụy do oan sai để lại vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Tình trạng này, không chỉ gây nhiều thiệt hại trực tiếp đối với các doanh nghiệp mà còn làm tổn hại môi trường đầu tư, kinh doanh, gây mất niềm tin vào nền tư pháp.
Theo thống kê, hàng năm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã kháng nghị hàng trăm vụ án hình sự chủ yếu là các vụ án về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,… trong đó có nhiều vụ án Tòa án phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên bị cáo không phạm tội hình sự, chuyển giải quyết lại theo thủ tục kinh tế, dân sự hoặc tuyên sửa bản án một phần do có những hành vi đã bị hình sự hoá không đúng pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 15/06/2020
05:20, 14/06/2020
05:30, 11/06/2020
Nói không với hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là phải nhắc đến cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua việc ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Nói như vậy để có thể thấy, chủ trương rất rõ ràng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc bảo vệ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, đảm bảo môi trường thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng Đất nước và tránh những bài học “nhãn tiền” đã xảy ra trong nhiều năm qua.
Nhận định về vấn đề này trên báo chí, Luật sư Lê Xuân Hiền - Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho rằng: “Khi không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự thì nhà đầu tư mới có niềm tin bỏ tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh thay vì đem tiền gửi ngân hàng, hoặc đưa dòng tiền này chảy ra bên ngoài”.
Cũng theo Luật sư Hiền, cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nếu được các cơ quan chấp pháp (Công an, Tòa án, Thi hành án…) thực thi với “cái tâm” của người bảo vệ pháp luật sẽ tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm trên, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhấn mạnh, “Hệ lụy của việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là khiến người dân và doanh nghiệp sợ đầu tư kinh doanh, sợ đầu tư lớn dài hạn, cũng như sợ đổi mới sáng tạo… Khi đẩy quan hệ kinh tế, dân sự lên mức cao hơn sẽ làm thui chột, thậm chí tiêu diệt ý muốn khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo”.
Bên cạnh những quan điểm của các Luật gia, nhiều Chuyên gia về kinh tế cũng quan ngại, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự không những đi ngược lại với cam kết bảo vệ doanh nghiệp của Chính phủ bấy lâu nay, mà trên thực tế đã và đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công an - Tô Lâm khẳng định: “Ngành Công an quán triệt, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc là không có khái niệm hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự; tạo điều kiện tối đa về an ninh, an toàn cho các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp lợi dụng những ưu đãi, những giải pháp tháo gỡ khó khăn để trục lợi, vi phạm pháp luật. Đồng thời, xử lý nghiêm cán bộ chiến sĩ công an nếu có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp”. |