Ranh giới các vụ việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự là vô cùng mong manh, thế nhưng, hệ lụy để lại khiến không ít doanh nghiệp, doanh nhân gần như mất trắng sau khi vướng vòng “lao lý”…
Thực tế, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, nhiều bài học “nhãn tiền” đã hiện hữu phía sau câu chuyện hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tuy nhiên, phía sau những bài học “nhãn tiền” là muôn vàn hệ lụy khó thể nào đong đếm được. Một doanh nghiệp, doanh nhân gần như sẽ phải đối mặt với cảnh trắng tay nếu không may vướng vào những vụ việc bị hình sự hóa.
Cảnh tượng, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân lao đao với “cần câu cơm” phía sau các bản án bị hình sự hóa không còn hiếm gặp, nhất là những vụ việc đã được kết luận oan sai nhưng giá trị thiệt hại của doanh nghiệp dày công xây dựng, bỗng chốc hóa “tàn tro”, khi các định giá về thiệt hại vẫn chưa có một hành lang pháp lý và cá nhân, tập thể gây ra những hậu quả “nhãn tiền” còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Liệu, những công sức, cam kết của Chính phủ có thể được thực thi để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp? Và những lời hứa không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự của các Tư lệnh ngành Kiểm sát; Công an;… trong thời gian vừa qua, có trở thành hiện thực?
Quay trở lại thông tin về vụ việc, ngoài những bài học “nhãn tiền” thì hệ lụy để lại sau mỗi vụ việc hình sự hóa, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Như câu chuyện của cựu chiến binh Dương Văn Hòa (61 tuổi), ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành, chuyên cung cấp bò giống và cây giống cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Liên quan đến vụ việc, mặc dù đã được giải oan sau 10 “đi tìm công lý” bằng quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhưng những thiệt hại ông phải chịu phía sau bản án là vô cùng lớn lao từ giá trị kinh tế thiệt hại ước tính lên tới 18 tỉ đồng chỉ được định giá hơn 250 triệu đồng, chưa kể hàng loạt những hệ lụy kèm theo như: bản thân ông bị khai trừ Đảng, khai trừ hội viên cựu chiến binh, Con ông thi đại học bị ghi lý lịch xấu,…
Những hệ lụy xấu liên quan đến oan sai trong hình sự hóa các quan hệ kinh tế cho đến nay vẫn rất khó định giá, nhất là khi những cái sai phải mất một thời gian dài để chứng minh và thừa nhận từ những cơ quan hành pháp, ngoài vụ việc của Cựu chiến binh Dương Văn Hòa - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thành thì vẫn còn đó nhiều trường hợp tương tự vẫn chờ công lý soi chiếu tới.
Như vụ việc Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh của bà Phùng Thị Thu (SN 1955, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) – nguyên Giám đốc Xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công, doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong lĩnh vực may mặc, gia công cho các đối tác nước ngoài đang được Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Bình ra quyết định thụ lý và tiếp tục giải quyết.
Theo đó, ngoài những hậu quả lãnh đạo doanh nghiệp này đã phải hứng chịu sau nhiều năm tháng oan sai, thì hành trình đòi lại tài sản hợp pháp trước khi vướng vòng lao lý của doanh nghiệp cũng vô cùng gian nan. Trong khi, giá trị kinh tế của khối tài sản này là vô cùng lớn.
Trong vô vàn lý do để hình sự hóa một vụ việc quan hệ kinh tế, dân sự thì những hậu quả để lại đều không hề nhỏ, nhưng diễn tiến của các vụ việc vẫn có dấu hiệu “chuyện đã rồi” và nhiều cơ quan thực thi vẫn đeo bám ranh giới mong manh giữa hình sự - dân sự làm bước tiến.
Vụ việc doanh nhân khởi nghiệp Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân – Giám đốc Công ty TNHH MTV nông thủy sản Tây Nam với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) cũng khiến dư luận vô cùng quan ngại về thực trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả khôn lường, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp khi gần như toàn bộ các dự án tê liệt, tài sản thế chấp hoang phế xuống cấp trầm trọng, từ ngày giám đốc Công ty bị vướng lao lý.
5 năm sau từ khi vụ án bắt đầu, mặc dù đã trả qua nhiều cấp xét xử, nhiều lần Viện kiểm sát Nhân dân yêu cầu điều tra bổ sung và cuối cùng là Quyết định tạm đình chỉ điều tra số 100/QĐ (ngày 10/6/2019), với lý do, sau khi tiến hành điều tra thấy: “Yêu cầu định giá tài sản chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra”(?).
Vậy, đến bao giờ vụ việc trên sẽ có hồi kết? Những hệ lụy do quá trình hình sự hóa gây ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hệ lụy của việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự vẫn chờ một hành lang pháp lý định đoạt, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm