Ngập lụt “liên miên” tại Thái Nguyên: “Trả giá” bởi qui hoạch?
Triển khai tràn lan các dự án đầu tư xây dựng trong khi các dự án liên quan đến hệ thống thoát lũ lại “giậm chân tại chỗ”, quy hoạch tại TP Thái Nguyên đang bị “băm nát” với hệ lụy nghiêm trọng…
Hình ảnh ngập úng đã quen thuộc với người dân tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay Hà Nội. Nhưng vài năm gần đây, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi TP. Thái Nguyên cũng chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn.
Thảm cảnh ngập lụt
Vậy, do đâu mà một đô thị tại vùng núi phải chịu “thảm cảnh” như vậy? Một trong những nguyên nhân đã được các chuyên gia chỉ rõ, do qui hoạch hạ tầng đô thị không đồng đều, quy hoạch “manh mún” đã “băm nát” tổng thể quy hoạch chung tại địa phương này. Khi mưa to, cường độ lớn, tập trung trong thời gian ngắn tạo lượng nước mặt vượt quá khả năng chứa của các hồ điều hòa và tiêu thoát của hệ thống kênh, cống ngầm tiêu thoát nước đô thị.
Ngay từ năm 2016, báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Thái Nguyên đã xác định rõ: “Tốc độ đô thị hóa trong nội thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước chung trục chính chưa đáp ứng phù hợp. Hệ thống thoát nước mưa hiện tại cơ bản quá cũ, không đáp ứng được nhu cầu thoát nước khi có mưa lớn...”.
Theo đó, TP Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đại Dự án thoát nước và xử lý nước thải với nguồn vốn đầu tư lên gần 1.000 tỷ đồng ngay đầu thế kỷ 21, hầu hết những tuyến phố chính đã được đào lên để xây dựng hệ thống thoát nước, những con đường lớn bị cắt mặt, đào sâu. Nhưng dư luận bức xúc bởi, chính những con đường đó, những tuyến phố trung tâm giữa thành phố lại bị “biến” thành sông mỗi khi mưa lớn (?).
Qui hoạch thiếu đồng bộ
Trong khi bài toán ngập úng còn chưa có lời giải, khi nhiều dự án liên quan đến hạ tầng giao thông, đặc biệt là hành lang đê thoát lũ liên tục bị chậm tiến độ thì số lượng các dự án được phê duyệt, triển khai vẫn gia tăng? Có thể thấy rõ ngay ở Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, mặc dù đã khởi công từ tháng 12/2016, nhưng đến nay vẫn nằm bất động?
Đặc biệt, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã xác nhận, các dự án khu dân cư, khu đô thị triển khai thiếu đồng bộ không đáp ứng tiến độ, dự án bên cạnh thi công trước có cao độ nền cao hơn dẫn đến tình trạng khu dân cư liền kề hoặc dự án liền kề triển khai chậm bị ngập úng. Trong khi đó, diện tích hồ ao, đất cây xanh, đất canh tác, đất công cộng bị thu hẹp, lấp đầy; bên cạnh đó lòng các khe, suối, mương bị lấn chiếm, có trường hợp xây nhà 2 tầng trên mặt suối hoặc xây kè đá, trồng cây… làm thu hẹp, chuyển hướng dòng chảy.
Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã liên tục phản ánh tại cửa xả cuối hồ Xương Rồng thi công không đúng vị trí, diện tích cống hiện tại bằng 2/3 diện tích của hồ sơ thiết kế cơ sở được duyệt; hệ thống thoát nước thành phố Thái Nguyên đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã phải ngưng hoạt động do sự cố; việc đấu nối các cống mới thi công với tuyến cống cũ chưa phù hợp về cao độ đáy cống dẫn đến việc tiêu thoát không kịp như ở cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cổng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cổng Công an TP Thái Nguyên…
Mới đây, thông tin với các cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Tuệ cho hay: Hệ thống thoát nước trong Thành phố 5 năm về trước cũ kỹ và không đủ công suất thoát nước, thậm chí nhiều khu vực trong Thành phố chưa có hệ thống thoát nước. Mưa lớn gây ngập úng vì thế trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
“Từ năm 2016- 2019, Thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn... Tuy nhiên xét về tổng thể thì các công trình chống ngập úng đã được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng với yêu cầu đặt ra, vì cả hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, thoát chỗ này nhưng lại ách chỗ khác, bởi vậy khi mưa to kéo dài không thoát nước kịp và xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ", ông Tuệ thừa nhận.
Có thể bạn quan tâm
Vụ chủ mỏ làm càn, người dân bất an tại Thái Nguyên: Đem mạng người treo… sợi chỉ!?
05:30, 31/07/2020
Vụ chủ mỏ than “làm càn” tại Thái Nguyên: Người dân “hoang mang”, chính quyền chờ ... “cứu”
04:50, 18/07/2020
Thái Nguyên: Chủ mỏ “làm càn”, người dân bất an
04:30, 11/07/2020
Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 3): Dự án “trọng điểm” liệu có “khả thi”?
04:30, 08/09/2020
Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 2): Dự án trọng điểm chậm, vì đâu?
04:50, 07/09/2020
Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 1): “Trọng điểm” thành… “mất điểm”
04:30, 05/09/2020