Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 1): “Trọng điểm” thành… “mất điểm”

Diendandoanhnghiep.vn Theo kế hoạch đến năm 2020, các dự án thành phần thuộc Dự án trọng điểm Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc phải đi vào hoạt động, nhưng đến nay mới chỉ có 1 dự án hoàn thành được 50% hợp đồng…

"Siêu dự án" xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc với vốn đầu tư 15 nghìn tỉ đồng được tổ chức lễ động thổ khởi công ngày 17/2/2016 tại điểm di tích lịch sử văn hoá đền Gàn, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dự án này được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp đã thành công với nhiều dự án du lịch tâm linh trên địa bàn cả nước, điển hình như dự án Quần thể khu du lịch Tràng An – Chùa Bái Đính, tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng...

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2019, phần thô sẽ được làm xong để đón khách vãn cảnh, bái phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026)… Tuy nhiên, 2 năm sau ngày khởi công, tháng 1/2018 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Văn bản số 246-KL/TU về việc thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc. Theo đó, cho phép thực hiện Dự án hạ tầng Khu tâm linh Hồ Núi Cốc sang giai đoạn sau năm 2020. Gần 5 năm đã trôi qua, hạn định giai đoạn I đã kết thúc, vậy dự án trọng điểm Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc hiện đang ra sao? Mời bạn đọc cùng Diễn đàn Doanh nghiệp một lần nữa “thực tế” tại địa phương này.

Thiết kế công trình chùa Tháp thuộc Khu du lịch Hồ Núi Cốc. (Ảnh: Thái Nguyên Nhân)

Thiết kế công trình chùa Tháp thuộc Khu du lịch Hồ Núi Cốc. (Ảnh TL: Thái Nguyên Nhân)

Theo đó, ngày 15/1/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình toàn khóa số 02-CTr/TU nhiệm kỳ 2015- 2020 xác định 08 chương trình, 10 đề án quy hoạch, 20 dự án, công trình trọng điểm về lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng; trong đó có các dự án thuộc khu du lịch Hồ Núi Cốc, gồm: Dự án đầu tư công (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc- di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa- do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư); Dự án đầu tư theo hình thức PPP gồm: các dự án thuộc tuyến đường Bắc Sơn kéo dài (do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư); Dự án đường trục nối ĐT261 đến khu vực đền Gàn và dự án tuyến đường ven hồ Núi Cốc (Sở Giao thông- Vận tải chủ trì lập đề xuất); Dự án đầu tư ngoài ngân sách gồm: Dự án khu tâm linh, cổng số 1 vào khu du lịch Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chịu trách nhiệm.

Theo kế hoạch ban đầu được thông qua tại Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/11/2016: Giai đoạn đầu từ năm 2016 đến năm 2020, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống đường vào Hồ Núi Cốc dài 21km, hệ thống đường quanh hồ khoảng 35km, hệ thống đường kết nối với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa Thái Nguyên.

Hệ thống hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thay thế Hồ Núi Cốc nhằm giữ cốt nước bảo đảm cảnh quan Hồ Núi Cốc; xây dựng cổng vào Khu du lịch; xây dựng khu đền thờ và khu Chùa Tháp cao 150m; xây dựng đền thờ Tam Thánh và các hạng mục phụ trợ; xây dựng khu trung tâm đón tiếp, bến thuyền, bến xe điện.

Dự kiến các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2019 và bắt đầu tổ chức đón khách du lịch, phật tử và nhân dân lễ phật và chiêm bái cảnh quan du lịch trong năm 2020.

Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường Bắc Sơn kéo dài vẫn chưa thể vượt. (Ảnh: Thái Nguyên Nhân)

Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường Bắc Sơn kéo dài vẫn chưa thể vượt. (Ảnh: Thái Nguyên Nhân)

Cụ thể, các dự án đến năm 2020 phải hoàn thành gồm: Đường trục chính từ thành phố Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ núi Cốc dài 9,5km (đường Bắc Sơn kéo dài), đường trục nối ĐT261 với Hồ Núi Cốc, đường nối QL37 với đường trục vào Hồ Núi Cốc; xây dựng hồ Nghinh Tường (huyện Võ Nhai), hồ Kẹm (huyện Đại Từ) hồ Khuôn Tát (huyện Định Hóa); Nâng cao trình mực nước dâng bình thường, tràn xả lũ bổ sung cho Hồ Núi Cốc điều tiết trong mùa mưa lũ; Xây dựng kênh mương dẫn nước từ sông Cầu và tháo nước cho Hồ Núi Cốc.

Thế nhưng, thực tế đến thời điểm này, theo Báo cáo Tổng kết thực hiện các chương trình, đề án, dự án, công trình trọng điểm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016- 2020 thì dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP thuộc tuyến đường Bắc Sơn kéo dài là có tiến triển nhất: Đạt khoảng 50% khối lượng, giá trị hợp đồng (?!).

Trong khi đó, Dự án Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng hạ tầng du lịch khu du lịch Hồ Núi Cốc- di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa- do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư mới đang hoàn thiện theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư ngày 02/7/2019.

Dự án đường trục nối ĐT261 đến khu vực đền Gàn Hồ Núi Cốc: Đề xuất dự án do Sở Giao thông – Vận tải lập đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt ngày 02/2/2018, nhưng do khó khăn về quỹ đất đối ứng nên dự án chưa triển khai thực hiện các bước tiếp theo; Còn dự án tuyến đường ven Hồ Núi Cốc (đoạn từ điểm cuối đường Bắc Sơn kéo dài đến Đoàn An điều dưỡng 16) chưa thể lập đề xuất.

Điểm đầu tuyến đường Bắc Sơn kéo dài tại nút giao với đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Thái Nguyên Nhân)

Điểm đầu tuyến đường Bắc Sơn kéo dài tại nút giao với đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Thái Nguyên Nhân)

Hai dự án đầu tư ngoài ngân sách do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư, thì với Dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc có diện tích gần 20ha, vốn đầu tư 2.956 tỷ đồng nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế dự án trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định; còn Dự án cổng số 01 vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc nằm trên đường Bắc Sơn kéo dài cơ bản đã hoàn thiện- tuy nhiên khiến nhiều người băn khoăn cho rằng doanh nghiệp đang “biến” đường công thành “đường ông” bởi tuyến đường Bắc Sơn không phải là tuyến đường duy nhất từ thành phố Thái Nguyên vào khu du lịch Hồ Núi Cốc (còn có đường Quang Trung- hai đường này đều kết nối với đường Tố Hữu) và cách Hồ Núi Cốc khoảng 15km.

Các dự án còn lại: Đường nối QL37 với đường trục vào Hồ Núi Cốc; xây dựng hồ Nghinh Tường (huyện Võ Nhai), hồ Kẹm (huyện Đại Từ) hồ Khuôn Tát (huyện Định Hóa); Nâng cao trình mực nước dâng bình thường, tràn xả lũ bổ sung cho Hồ Núi Cốc điều tiết trong mùa mưa lũ; Xây dựng kênh mương dẫn nước từ sông Cầu và tháo nước cho Hồ Núi Cốc đến thời điểm này… vẫn còn nằm trên giấy!

Xung quanh câu chuyện gian nan dự án trọng điểm Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc ở bài viết tiếp theo: Dự án trọng điểm … chậm, vì đâu?

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Gian nan dự án Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Kỳ 1): “Trọng điểm” thành… “mất điểm” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714021903 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714021903 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10