Xử lý nạn tăng giá thuốc, thiết bị y tế: Nghị định mới có đủ sức răn đe?
Trước thực trạng những vụ việc tăng giá thuốc, thiết bị y tế gây bức xúc trong dư luận, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ra đời, tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm, liệu có đủ sức răn đe?
Thời gian vừa qua, liên tiếp hàng loạt các vụ việc tăng giá thuốc, thiết bị y tế hòng trục lợi đã được phanh phui, khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc, đình đám nhất trong số đó phải kể đến vụ việc nâng khống giá thiết bị phòng chống dịch xảy ra tại CDC Hà Nội, hay vụ việc tăng giá thiết bị gấp 6 lần xảy ra tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở Hà Tĩnh, vụ việc ở bệnh viện Bạch Mai…
Chưa kể đến, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát (tháng 02/2020), chỉ tính riêng trong 3 ngày ra quân kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 1.221 vụ vi phạm về giá tại các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn cả nước.
Trước thực trạng trên, ngày 28/9/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh tạo tính răn đe đối với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.
Thế nhưng, nhìn vào thực tế đã và đang diễn ra, dư luận không khỏi quan ngại, đối với các hành vi trên, sẽ xử phạt ở mức chỉ từ 20 – 30 triệu đồng, liệu có khác nào “muối bỏ bể”? Chưa đủ sức nặng để tạo tính răn đe?
Trước những hoài nghi của dư luận, thông tin với báo chí, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ, việc xác định mức phạt căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, giá trị của hàng hoá vi phạm và mức độ răn đe, cảnh báo cũng như các yếu tố khác về điều kiện kinh tế, thu nhập, mặt bằng giá cả chung của xã hội tại thời điểm ban hành quy định.
Theo bà Trang, tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định, hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh, ngoài bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng, còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn đến 24 tháng,...
Cũng theo bà Trang, cơ sở vi phạm cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch, trường hợp không hoàn trả được thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
“Trong thực tế, đôi khi hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động còn nặng và mang tính “trừng phạt” cao hơn phạt tiền, do đó, mức phạt như quy định tại Nghị định theo tôi đã bảo đảm tính răn đe”, bà Trang lý giải.
Ngoài ra, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP cũng quy định rất cụ thể, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, người có thẩm quyền để tránh buông lỏng quản lý hoặc chồng chéo về thẩm quyền, bên cạnh đó, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung, Luật xử lý vi phạm hành chính, sẽ cho phép áp dụng các hình thức “phạt nguội” đối với hành vi vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 23/2020: “Cơ chế thép” dẹp loạn khai thác cát, sỏi trái phép
04:50, 16/10/2020
Bộ GTVT chỉ đạo “nóng”, Nghị định 10/2020 có được… thực thi?
04:50, 02/10/2020
Nghị định 98 có đủ sức siết chặt vấn nạn hàng không nguồn gốc xuất xứ?
05:00, 15/10/2020
Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường “mập mờ” làm khó doanh nghiệp
04:30, 24/09/2020