Mặc dù có hiệu lực thi hành từ 01/4/2020, thế nhưng, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP cho tới nay vẫn nằm trên giấy, trong khi, những tồn tại, bất cập của hoạt động vận tải hành khách hiển hiện mỗi ngày…
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa ra Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định số 10) và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (Thông tư số 12).
Nội dung của Chỉ thị nêu rõ: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Bộ trưởng Bộ GTVT sau đó đã ban hành Thông tư số 12 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Để khắc phục những tồn tại trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, xử lý quyết liệt tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng chạy như tuyến cố định” qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch giữa các loại hình kinh doanh vận tải đường bộ.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; công tác quản lý hoạt động vận tải của địa phương trong đó có công tác quản lý bến xe, các điểm đón trả khách trên địa bàn và việc chấp hành các quy định về vận tải của các đơn vị vận tải, đặc biệt tập trung vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm.
Ngoài ra, cũng tại chỉ thị “nóng” này, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều phương án quản lý, giám sát đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng như: khẩn trương xây dựng phần mềm tự động thống kê, phân tích dữ liệu vận tải; lắp camera giám sát;…
Trong đó, giao các Sở GTVT rà soát và bố trí các điểm dừng đón trả khách cho phương tiện vận tải khách phù hợp với các quy định hiện hành; hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, đôn đốc việc cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc quy định về truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; quản lý hoạt động của các phương tiện thuộc đơn vị qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, đảm bảo việc truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời;
Thông báo danh sách các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến UBND xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý, đồng thời, tiến hành niêm yết danh sách các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng trên trang Thông tin điện tử của Sở để các cơ quan liên quan thuận lợi trong việc tra cứu, giám sát;
Các Sở GTVT cần đề xuất, báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép thực hiện lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực thường xuyên có xe hợp đồng tổ chức đón, trả khách (bến cóc) để kiểm tra, xử lý kịp thời;
Việc Bộ GTVT ra Chỉ thị “nóng” này là vô cùng cần thiết, bởi trên thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách của một số đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng còn chưa thực sự nghiêm, vẫn mang tính đối phó, hình thức, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.
Đáng quan ngại, nhiều năm qua, tình trạng xe dù, bến cóc, xe “núp mác” hợp đồng đã trở thành một vấn nạn, gây mất công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách,… chưa kể đến hiện trạng, nhiều văn phòng nhà xe được mở ra dưới danh nghĩa chuyển phát hàng hóa, tuy nhiên, lại biến thành điểm đón, trả khách tự phát gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị,...
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty luật HPVN nhận định: Nếu thực tiễn được chuẩn hóa theo nội dung chỉ đạo này của Bộ GTVT, chắc chắn Nghị định số 10/2020/NĐ-CP sẽ đảm bảo được tính nghiêm minh đúng như kỳ vọng khi được ban hành.
“Việc thắt chặt quản lý, không chỉ đảm bảo cho pháp luật được thực thi mà còn đem lại một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh vận tải hành khách hiện nay”, Luật sư Hiệp nói.
Có thể bạn quan tâm
Xe "núp mác" hợp đồng: Nghị định 10/2020/NĐ-CP vẫn chỉ nằm… trên giấy?
05:05, 29/04/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 6): Có nên quản thay vì cấm?
11:02, 06/03/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 5): Còn nhiều bất cập?
11:02, 01/03/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 4): Giải pháp chuyển mình
19:00, 27/02/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 3): Thời cơ phát triển?
09:30, 22/02/2020