Khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, nếu được áp dụng một cách triệt để thì vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng khó còn cửa sống.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định có đứng trước thời cơ phát triển?…
Tiếp tục thông tin tại bài viết trên số báo 15 ra ngày 19/02/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ra đời trước thực trạng vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng nở rộ như một “liều thuốc” kịp thời cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định. Vậy, sau “liều thuốc” Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã phải là thời cơ phát triển của các doanh nghiệp?
Cần một xuất phát điểm công bằng!?
Với điều kiện hoạt động không khắt khe, cơ chế vận hành tự do giảm thiểu chi phí tối đa, vậy nên, loại hình xe “núp mác” hợp đồng ngày một nở rộ. Chỉ tính riêng tỉnh Thái Bình hiện nay, loại hình xe này đã có hơn 1.000 đầu xe đang tham gia hoạt động trên nhiều tuyến khác nhau. Thực trạng trên một lần nữa cho thấy nguyên nhân vì đâu hàng loạt doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định lao đao bởi sự cạnh tranh thiếu công bằng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Đông – Phó Giám đốc Công ty CP xe khách Thái Bình cho biết: Việc vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng liên tục nở rộ trong thời gian vừa qua nguyên nhân chính xuất phát từ việc hoạt động của loại hình này có điểm xuất phát thiếu công bằng với hoạt động xe truyền thống tuyến cố định. Bởi ngoài phương tiện và vận hành, các loại xe “núp mác” hợp đồng sẽ không phải chịu các loại chi phí như: Phí thuê bến (2 đầu); Lệ phí đóng lốt (hàng tháng);… Ngoài ra, quá trình lưu thông vận tải còn không bị chi phối bởi biểu đồ chuyến.
Cũng theo ông Đông: “Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và có sự vào cuộc sát sao của các lực lượng chức năng cũng như các cơ quan quản lý sẽ tạo một tiền đề tốt cho doanh nghiệp vận tải tuyến cố định thời cơ phát triển”. Bên cạnh đó, ông Đông cũng nhận định: Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã và đang tạo ra một cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn Nghị định cũ. Dù chưa phải là hoàn thiện, tuy nhiên, hoạt động của xe “núp mác” hợp đồng có “lách luật” cũng khó có thể phổ cập được như trước.
Cùng chung quan điểm với ông Đông, ông Lưu Huy Hà – Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà (HHG) cũng đánh giá: Nghị định số 10/2020/NĐ-CP là một bước tiến mới trong quản lý vận tải. Tuy nhiên, đối với thực trạng vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng, ngoài sự hoàn thiện của Nghị định cần có sự đồng bộ vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng cùng các cơ quan quản lý.
Theo ông Hà: Vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng nở rộ nguyên nhân từ sự quá dễ dãi đối với loại hình kinh doanh này, chỉ cần là hộ cá thể có phương tiện là đã hoạt động được. Vậy nên, muốn xử lý được tình trạng trên thì hãy thắt chặt từ lúc các xe đi “gom khách” hoàn thiện hợp đồng chứ không thể xử lý khi xe đã lưu thông trên đường.
Có thể bạn quan tâm
04:50, 11/07/2019
19:51, 06/07/2018
11:10, 22/08/2019
18:01, 15/08/2019
04:50, 16/02/2020
Vẫn còn “khe cửa hẹp”?
Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã có những bước đột phá mới trong siết chặt đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Nhiều mục, khoản tại Điều 7 thể hiện chi tiết cụ thể về điều kiện kinh doanh loại hình vận tải này, nhưng nếu nhìn vào thực trạng hiện nay nhất là kỳ vọng sẽ xóa sổ được vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng thì chưa hẳn đã kín kẽ.
Trao đổi với PV về những vấn đề xung quanh nội dung Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, ông Đặng Xuân Bình – Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái – Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình cho biết: So với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP thì sự ra đời của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đặc biệt trong vấn đề quản lý xe hợp đồng.
Tuy nhiên, theo ông Bình: Một số khoản, mục trong Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP chỉ có thể xử lý được vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay hộ cá nhân. Còn những doanh nghiệp lớn, xe đông, chạy nhiều tuyến vẫn khó siết chặt.
Cụ thể, tại mục d, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định: Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm… thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
"Vậy, giả thiết ở đây được đặt ra đối với doanh nghiệp có 30 đầu xe chạy trên 3 tuyến khác nhau. Nếu hoạt động theo quy định đã nêu, doanh nghiệp hoàn toàn có thể luân phiên các đầu xe thay đổi tuyến để tránh sự vi phạm", ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có 16 doanh nghiệp hoạt động theo dạng hợp đồng và 42 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tuyến cố định. Nhưng để thực hiện được những nội dung Nghị định đã đề ra cũng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành chức năng chứ không chỉ riêng mình cơ quan quản lý.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!