Tách Luật Giao thông đường bộ bị phản đối – vì đâu nên nỗi?

GIA NGUYỄN 18/11/2020 04:30

Mặc dù khẳng định, tách Luật Giao thông đường bộ đảm bảo "không chia luật, chia quyền", thế nhưng, tại nghị trường Quốc hội, dự thảo này đã thất bại toàn tập, vì đâu nên nỗi?

Xoay quanh câu chuyện tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã khiến nghị trường Quốc hội liên tục “nóng” trong những ngày qua với các quan điểm trái chiều.

Theo đó, sau nhiều ngày đưa dự thảo ra thảo luận và lấy ý kiến, có 302 đại biểu Quốc hội không tán thành việc tách luật (62,79% tổng số đại biểu Quốc hội) và 102 đại biểu tán thành (21,62% tổng số đại biểu Quốc hội).

Việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) sang Bộ Công an, phần lớn đại biểu Quốc hội cũng không ủng hộ. Cụ thể, có 321 đại biểu Quốc hội (66,74% tổng số đại biểu Quốc hội) chọn phương án "không chuyển"; và có 86 đại biểu Quốc hội chọn phương án chuyển (17,88% tổng số đại biểu Quốc hội).

Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật không nhận được sự tán thành của đại đa số đại biểu Quốc hội - Ảnh: VOV

Việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật không nhận được sự tán thành của đại đa số đại biểu Quốc hội - Ảnh: VOV

Cuối cùng, phương án chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khóa XV) cũng được đưa ra lấy ý kiến, kết quả, có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này chiếm 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.

Như vậy, với các diễn biến như đã nêu thì dự thảo tách Luật Giao thông đường bộ đã hoàn toàn thất bại trong phiên họp lần này, khi không nhận được sự tán thành của đại đa số các đại biểu Quốc hội, nguyên nhân từ đâu?

Theo các đại biểu Quốc hội, từ năm 1995, Bộ GTVT nhận nhiệm quản lý cấp giấy phép lái xe ô tô từ Bộ công an, khi đó, cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, nhưng cho đến nay, đã có hơn 463 cơ sở đào tạo lái mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái ô tô đã được xã hội hóa 100%. Với hệ thống vật chất trang thiết bị tương đối đồng bộ, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, việc chuyển công tác quản lý, sát hạch giấy phép lái xe cho Bộ Công an, liệu có thỏa đáng? Trong khi, việc làm này không chỉ gây ra rất nhiều xáo trộn mà còn dẫn đến các chi phí tốn kém không cần thiết.

Ngoài ra, theo phân tích của các đại biểu, nếu nói rằng, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, thì vấn đề lớn nhất là cần có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém, không nhất thiết phải chuyển từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác.

đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tách Luật Giao thông đường bộ thành hai

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, tách Luật Giao thông đường bộ thành hai không khác gì "tách con ra khỏi mẹ" mà "cắt gan lại đi ghép thận" - Ảnh: GĐXH

Nêu ý kiến của mình, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: “Chúng ta thấy rằng giao thông đường bộ là một lĩnh vực mang tính chuyên ngành, chuyên sâu. Hiện chúng ta có các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, nếu tách thì sau này tiếp tục có Luật an toàn giao thông của từng lĩnh vực đúng không? Hay chúng ta có một luật giao thông riêng về an toàn Hiến pháp?...”.

Đại biểu Nhưỡng dẫn chứng, trong Báo cáo 399 cũng nêu vấn đề: Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, cấu thành nội hàm, khái niệm bảo đảm an toàn giao thông.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai luật không khác gì "tách con ra khỏi mẹ" mà "cắt gan lại đi ghép thận", ông cho rằng, những vấn đề phụ thuộc vào thi hành pháp luật phải được khắc phục bằng những biện pháp phù hợp và nằm trong khái niệm của Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, ngoài việc chỉ những hệ lụy về vấn đề pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tiềm ẩn xung đột thẩm quyền, nhiệm vụ, thậm chí là lợi ích, một vấn đề nữa được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhắc tới, đó là việc, nếu tách ra sẽ tăng thêm thủ tục hành chính.

"Đây là một trong những vấn đề có thể nói rằng nó đi ngược lại, thậm chí không phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của chúng ta về cải cách thủ tục hành chính, đây là biện pháp chẻ đôi luật, chẻ đôi các loại thủ tục", đại biểu Nhưỡng nêu ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

  • Tách Luật Giao thông đường bộ đảm bảo

    Tách Luật Giao thông đường bộ đảm bảo "không chia luật, chia quyền"

    04:50, 17/11/2020

  • Tách Luật Giao thông đường bộ: Nhiều đại biểu không tán thành…

    Tách Luật Giao thông đường bộ: Nhiều đại biểu không tán thành…

    12:30, 16/11/2020

  • Tách Luật Giao thông đường bộ: Vẫn còn nhiều quan ngại…

    Tách Luật Giao thông đường bộ: Vẫn còn nhiều quan ngại…

    04:30, 14/11/2020

  • Tách luật Giao thông, liệu phù hợp không?

    Tách luật Giao thông, liệu phù hợp không?

    07:20, 03/10/2020

GIA NGUYỄN