Hải Phòng mạnh tay với đất "treo"

BÙI MẠNH 25/11/2020 11:01

Việc thu hồi đất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp thiếu năng lực để xem xét giao cho các doanh nghiệp có năng lực, nghiêm túc là cần thiết để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng...

Hải Phòng vừa quyết định “khai tử” dự án Bulding tại số 4 Trần Phú sau 1 năm “bất động”. Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê này được cho là có vị trí “không thể đẹp hơn” khi được sử dụng sử dụng 13.486m2 đất “góc bánh chưng” ngay trung tâm thành phố.

Một trong những dự án

Một trong những dự án "treo" bền vững của TP Hải Phòng, dự án đường 100m Lạch Tray - Hồ Đông

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, từ khi được UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư (tháng 11/20219), đến nay doanh nghiệp chưa thực hiện các thủ tục để làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục của công trình Dự án gồm: Ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; thuê đất thực hiện dự án tại Sở Tài nguyên và Môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế thi công và cấp Giấy phép xây dựng công trình…

Đây được xem là động thái “mạnh tay” với những dự án “treo” của chính quyền Hải Phòng, ngay sau việc yêu cầu Sở Tài Nguyên & Môi trường rà soát và “xem xét trách nhiệm” của các đơn vị liên quan trong việc quản lý đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa (CPH).

Vừa qua, Kiểm toán nhà nước chỉ ra một loạt trường hợp sử dụng đất không đúng quy định ở thành phố này như các công ty cổ phần: Da giày Hải Phòng, xây dựng Ngô Quyền, Công trình công cộng và dịch vụ du lịch Hải Phòng; Tổng công ty thủy sản Việt Nam... Các sai phạm diễn ra ở nhiều hình thái khác nhau: thuộc diện bị thu hồi nhưng vẫn sử dụng; chưa ký quỹ đã chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; chậm làm thủ tục trả lại đất cho thành phố khi không có nhu cầu sử dụng...

Một trong những nguyên nhân của việc sử dụng đất không đúng quy định, thậm chí “nhập nhèm” giữa phần đất được tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH với phần đất dịch vụ công cộng (không phải nộp tiền sử dụng đất) và những diện tích đất được thuê có thời hạn là do việc quản lý hồ sơ đất đai của doanh nghiệp không đầy đủ, thiếu chính xác. Chẳng hạn chỉ có 1 trong số 18 địa điểm của Công ty CP Thành Tô có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tương tự, Công ty CP dược phẩm Hải Phòng có 19/20 địa điểm không được “chứng nhận”. Thậm chí có những đơn vị không có lấy một giấy chứng nhận nào cho các thửa đất đang sử dụng như Công ty CP phục vụ Mai táng và Công ty CP thương mại, đầu tư và xây dựng Hải Phòng. Không thể nói rằng các cơ quan quản lý nhà nước “vô can” khi để xảy ra tình trạng này, ít nhất là “lỗi” thiếu kiểm tra, giám sát và không đôn đốc doanh nghiệp làm thủ tục để “chuẩn hóa” những diện tích đất đang sử dụng.

Khu đất 4B đường Trần Phú nguyên do Công ty CP Kho vận ngoại thương quản lý, sau cổ phần hóa được thu hồi sử dụng cho các dự án phát triển đô thị.

Khu đất 4B đường Trần Phú do Công ty CP Kho vận ngoại thương quản lý, sau cổ phần hóa được thu hồi sử dụng cho các dự án phát triển đô thị.

Đáng nói là không riêng gì ở Hải Phòng, câu chuyện doanh nghiệp sau CPH vẫn “bám trụ”, “giữ đất” dù không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích diễn ra ở nhiều địa phương và càng “nóng” ở những đô thị lớn, nơi mà đất “đắt hơn vàng”, như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Đơn cử: Hà Nội có 25 dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không thực hiện đúng quy định pháp luật, bị Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra việc sử dụng đất. Tương tự TP.HCM có 13 dự án, Quảng Ninh: 3 dự án, Nghệ An: 12 dự án. Các “đời” Nghị định (59/2011/NĐ-CP và 126/2017/NĐ-CP) rất chú ý vấn đề này nên đều nhất quán quy định doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau CPH mà sử dụng đất “chưa phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất” thì phải “trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác”. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp khi CPH coi những mảnh đất đang nắm giữ như “chiến lợi phẩm” của mình. Họ cố tình nại đủ mọi lý do để “trùng trình”, trì hoãn việc trả lại cho nhà nước nhằm tìm cơ hội “lách luật” như chuyển nhượng hoặc kêu gọi đối tác hợp tác khai thác dưới danh nghĩa “liên doanh liên kết”, “hợp tác đầu tư”.

Trong khi nhiều doanh nghiệp không có không có đất để sản xuất, kinh doanh thì không ít doanh nghiệp lại “ôm giữ” rồi bỏ không dẫn đến sự lãng phí nguồn lực phục vụ cho phát triển. Do đó, việc thu hồi đất của các nhà đầu tư, doanh nghiệp thiếu năng lực, “khôn lỏi” để xem xét giao cho các doanh nghiệp có năng lực, nghiêm túc là cần thiết để đem lại một môi trường đầu tư, kinh doanh sòng phẳng, minh bạch và bình đẳng, đồng thời huy động được những nguồn lực đang bỏ phí vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để vừa đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế vừa góp phần chỉnh trang đô thị.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắt buộc thu hồi dự án treo

    Bắt buộc thu hồi dự án treo

    10:32, 09/11/2020

  • BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 25/10-01/11: Sẽ thanh tra các dự án treo

    BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 25/10-01/11: Sẽ thanh tra các dự án treo

    06:00, 01/11/2020

  • Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các

    Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các "dự án treo"

    06:34, 31/10/2020

  • Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    Hàng chục dự án treo sổ hồng do “tắc” tiền sử dụng đất

    15:00, 10/09/2020

BÙI MẠNH