Ô nhiễm môi trường làng nghề, cụm công nghiệp (Bài 4): “Dọn rác” hay “chuyển mình”?
Trước thực trạng nhức nhối của ô nhiễm tại làng nghề, cụm công nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì lo chạy theo “dọn rác”, cần phân loại hoạt động sản xuất để mở lối… đi riêng!
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin ở những bài trước đó, ô nhiễm làng nghề, cụm công nghiệp hiện nay gần như trở thành vấn nạn với mức độ ô nhiễm rất cao, mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, tuy nhiên, việc đầu tư vốn vào để xử lý chẳng khác nào như “muối bỏ bể”, nhất là khi chưa đào được tận gốc vấn đề…
Không đánh đồng việc khoác chung… “tấm áo”?
Nhắc tới làng nghề, nhiều người thường ớn lạnh với mức độ ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, không phải làng nghề truyền thống nào cũng là tác nhân gây ô nhiễm, bởi mỗi một làng nghề sẽ có những đặc thù riêng, với những mức độ xả thải, tác động đến môi trường hoàn toàn khác nhau… nên cần phải có những đánh giá đúng, đủ thì giải pháp đưa ra mới hiệu quả, bền vững.
Thông tin với báo chí, GS.TS Đăng Kim Chi – chuyên gia công nghệ môi trường làng nghề cũng từng nhận định, hệ thống làng nghề của Việt Nam rất đa dạng từ làng nghề sản xuất lương thực thực phẩm, làng nghề tái chế, đến các làng nghề giết mổ gia cầm… bởi vậy, chất thải và nguồn nước xả thải của mỗi một làng nghề có đặc thù riêng nên tùy theo từng loại hình làng nghề và điều kiện kinh tế, địa phương áp dụng những giải pháp xử lý khác nhau, không thể đánh đồng việc khoác chung “tấm áo”.
Theo GS.TS Đặng Kim Chi, có những làng nghề có thể thu gom nước thải, tập trung xử lý cho từng nhóm cơ sở sản xuất, thế nhưng, có những làng nghề buộc phải di dời ra những khu vực tập trung.
Đồng tình với quan điểm của GS.TS Đặng Kim Chi, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nước thải của các làng nghề có nhiều hóa chất độc hại nên cần phải thu gom nước thải tập trung và có những biện pháp xử lý giống như 54 nước thải công nghiệp, nước xả thải ra môi trường phải đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định, các cơ quan quản lý môi trường địa phương nơi có làng nghề cần phải sớm xây dựng những quy chuẩn đặc thù về nước xả thải cho từng làng nghề và có những biện pháp giám sát, quản lý chặt chẽ.
Mở lối đi riêng…?
Nhiều năm trở lại đây, không ít làng nghề vừa thay đổi phương thức sản xuất, vừa chuyển hướng sang phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm,… cũng bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực như: làng gốm Bát Tràng, làng lụa Hà Đông, làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ),…
Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nêu quản điểm, thay vì chạy theo “dọn rác”, muốn bảo tồn và thúc đẩy làng nghề phát triển, nên phân loại, đánh giá bản chất của các làng nghề, hướng tới xây dựng, phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng,…
Theo ông Hóa, chỉ tính riêng vùng đồng bằng sông Hồng đã có khoảng 7.500 làng truyền thống, khoảng 1.500 làng trong số đó là làng (có) nghề và khoảng 300 làng đã được công nhận làng nghề truyền thống. Ngoài văn hóa nghề truyền thống, các làng nghề còn chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan, kiến trúc và các giá trị tinh thần khác.
“Phát triển du lịch làng nghề không chỉ giảm tải sản xuất, tạo ra nguồn thu từ xuất khẩu tại chỗ, mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, đất nước, phù hợp với xu thế phát triển bền vững, hội nhập hiện nay. Còn nếu muốn đẩy mạnh sản xuất sản phẩm làng nghề, hoàn toàn có thể đưa vào các khu công nghiệp tập trung được quy hoạch, trang bị hệ thống xử lý xả thải rõ ràng”, ông Hóa nói.
Có thể bạn quan tâm