Khung thể chế cho kinh tế số tại Việt Nam
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhấn mạnh: kinh tế số muốn thực sự phát triển phải "mở đường lớn".
Tuy nhiên, "đường lớn" - khung thể chế cho việc phát triển kinh tế số của Việt Nam chưa hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các mô hình kinh tế số tại Việt Nam.
Trong vòng 5 năm qua, với sự bùng nổ mạnh mẽ của điện thoại thông minh, kết nối internet và mạng xã hội ở Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số đã phát triển nhanh chóng và định hình một nền kinh tế kỹ thuật số (hay gọi tắt là kinh tế số) non trẻ nhưng năng động và đầy tiềm năng.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng: Ở Việt Nam, dịch vụ số là lĩnh vực có sự bùng nổ mạnh nhất và phù hợp với các thế mạnh nổi trội của Việt Nam như dân số trẻ, chuộng công nghệ, yêu thích mạng xã hội). Công nghệ số và kinh tế số sẽ là động lực quan trọng, chìa khoá giải bài toán năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hoá cơ hội trở thành một cường quốc bậc trung phát triển vào năm 2040.
- Các thách thức chính mà nền kinh tế số Việt Nam đang phải đối mặt là gì, thưa ông?
Các điểm nghẽn hiện nằm ở những vấn đề như sau:
Thứ nhất, hạ tầng kết nối internet (cả cố định và băng thông rộng di động) – vẫn còn thấp so với khu vực, trong khi 5G vẫn còn ở tương lai xa thì tốc độ 4G hầu như chưa đạt chuẩn công bố.
Thứ hai, dịch vụ thanh toán chưa tiện lợi (chính sách và pháp lý cho Fintech, tiền kỹ thuật số hay “mobile money” chưa phát triển theo kịp; còn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp; (nếu so sánh với Trung Quốc, dịch vụ “ví điện tử” hiện nay đã vượt thanh toán tiền mặt).
Thứ ba, các rào cản đến từ quản lý dịch vụ số (ví dụ kiểm soát, kiểm duyệt nội dung trong ngành nội dung số )… tạo nhiều khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp khi khởi sự kinh doanh (xin phép mạng xã hội, trang thông tin điện tử); lẫn khi đi vào kinh doanh (trách nhiệm kiểm duyệt nội dung thông tin người dung đăng tải).
Các lĩnh vực cấu thành chính của kinh tế số ở Việt Nam là 4 nhóm, thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông số, và công nghệ vận tải/logistic. Xét trên toàn khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế ở Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất, và quy mô chỉ thua Indonesia.
Thứ tư, khung pháp lý cho tài sản dữ liệu số, bao gồm pháp lý về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng còn thiếu.
Và cuối cùng là vấn đề bảo vệ người dùng trên môi trường số; giải quyết các tranh chấp vẫn còn yếu. Quan trọng hơn cả, ở góc độ chính sách và quản trị nhà nước, sự phân tán đầu mối quản lý và thiếu một cơ quan đủ mạnh để làm chính sách và xây dựng khuôn khổ pháp lý ngành (regulation) (chia rẽ và chồng chéo giữa các bộ Thông tin truyền thông; Công Thương; Ngân hàng Nhà nước và các bộ quản lý chuyên ngành khác) khiến cho Việt Nam vẫn đang thiếu một tầm nhìn, chiến lược và chính sách nhất quán, mạnh mẽ cho kinh tế số, cho thị trường dịch vụ trực tuyến và công nghiệp nội dung số.
- Ông có đề xuất thế nào để giải quyết vấn đề này?
Điểm mấu chốt vẫn là đổi mới tư duy. Bởi kinh tế số có sự khác biệt căn bản so với nền kinh tế cũ – nên ko thể dùng mô hình pháp lý của thế kỷ 20, vốn chỉ điều chỉnh cho môi trường thực và đóng kín trong biên giới. Đặc tính khác biệt đó – số hoá, tốc độc mọi giao dịch gần như là tức thời, và không có biên giới quốc gia – cần đến một “hệ điều hành mới” trong đó tư duy pháp lý phải thay đổi.
Trong khuôn khổ trao đổi này, tôi đề xuất một số nguyên tắc tiếp cận cho “hệ điều hành” mới – hay khung quy định và thực thi pháp lý cho nền kinh tế số.
Thứ nhất, các vấn đề phát sinh bởi công nghệ nên ưu tiên xử lý bằng công nghệ, sẽ hiệu quả hơn là bằng quy định pháp luật quá cứng nhắc. Ví dụ, thông tin “xấu độc”, thông tin không chính xác; dùng công nghệ để “lọc” và kiểm soát nội dung thông tin, kết hợp với báo cáo vi phạm từ người dùng, sẽ hiệu quả hơn là áp đặt nghĩa vụ cứng nhắc lên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, như Facebook hay Youtube.
Tương tự như vậy, chống ăn cắp bản quyền nội dung số, tài sản số - thì giải pháp công nghệ cũng hiệu quả hơn là bằng pháp lý truyền thống. Để làm được điều đó, khuyến khích các ngành kinh doanh nâng cao và thực thi chặt chẽ các tiêu chuẩn, quy định trong ngành là hướng đi ưu tiên.
Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm tham gia thiết kế các khung quy định mới và thực thi dưới dạng khuôn khổ pháp lý cho khu vực – ví dụ khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
- Ngoài các thách thức về xây dựng pháp lý mới cho kinh tế số, còn vấn đề thể chế nào khác ông lưu ý?
Một vấn đề, dù ko phải là mang tính nguyên tắc, nhưng tôi muốn nhấn mạnh, bởi đây là điểm yếu cố hữu của Việt nam, và sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời đại số - đó là xử lý các tranh chấp trong môi trường số. Các tranh chấp, các vi phạm trên môi trường số đa phần ở quy mô nhỏ, diễn ra nhanh, tác động tổng thể lại lớn.
Đa phần các vi phạm, tranh chấp như vậy lại nhắm vào người dùng, bên yếu thế hơn trong các giao dịch thương mại. Ví dụ: nạn thu thập và lạm dụng, thương mại hoá trái phép dữ liệu cá nhân; quảng cáo sai sự thật, lừa đảo nhắm vào người dùng; rồi thông tin sai sự thật trên môi trường mạng xã hội …
Điều đó tổn hại người dùng trong nước đã đành nhưng nguy hiểm hơn, nếu doanh nghiệp Việt Nam, nếu không cải thiện căn bản văn hoá ứng xử tôn trọng và bảo vệ người dùng thì sẽ rất khó vươn ra thị trường toàn cầu. Hệ thống tư pháp – đặc biệt là các thiết chế, cơ chế mới về xử lý tranh chấp trên môi trường số, vì vậy cần một cuộc cải cách căn bản.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm