PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Bệnh án tâm thần - "bùa hộ mệnh" cho tội phạm
Xoay quanh vụ việc xây phòng “bay lắc”, buôn ma túy xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, không ít dấu hỏi lớn được đặt ra và một trong số đó chính là bệnh án tâm thần…
Thời gian vừa qua, dư luận tiếp tục “dậy sóng” khi ngày 31/3, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP. Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây mua bán ma túy do Nguyễn Xuân Quý - bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cầm đầu.
Không chỉ vô tư cải tạo phòng điều trị trong bệnh viện thành một phòng có cách âm, lắp loa, đèn trang trí,… phục vụ việc sử dụng và mua bán ma túy, đối tượng Nguyễn Xuân Quý còn bị cáo buộc đã mời bạn bè, gái "dịch vụ", nhân viên bệnh viện cùng sử dụng chất cấm. Ngày 01/4, Cơ quan chức năng đã thực hiện lệnh khởi tố và bắt tạm giam để điều tra với 6 đối tượng liên quan, trong đó, có 1 nhân viên của Bệnh viện.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã quyết định tạm đình chỉnh công tác với ông Vương Văn Tịnh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra; chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đình chỉ công tác chuyên môn các cá nhân liên quan, gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu - Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm - Điều dưỡng Trưởng khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho đối tượng Nguyễn Xuân Quý.
Xoay quanh diễn biến của vụ việc, không ít dấu hỏi được đặt ra như: Tại sao Nguyễn Xuân Quý không được điều trị tại khu vực riêng? Phòng điều trị được cải tạo thành phòng "bay lắc" từ bao giờ? Vì sao Nguyễn Xuân Quý có chìa khóa tự ra vào bệnh viện? Có hành vi hối lộ hay không?...
Thông tin với báo chí vừa qua, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng, báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I về vụ việc của Nguyễn Xuân Quý còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, bệnh viện phải có bằng chứng, báo cáo trung thực, khách quan để Bộ Y tế cung cấp cho Cơ quan điều tra, sớm làm sáng tỏ vụ án, trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ có các hình thức xử lý tiếp theo, đồng thời, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho các cơ sở y tế khác.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, nếu nhân viên trong Bệnh viện không bao che, làm ngơ thì đối tượng không thể tự cải tạo phòng bệnh thành nơi để tàng trữ, sử dụng trái phép ma tuý.
Thực tế, ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ đối với Nguyễn Xuân Quý - bị can trong vụ án hình sự tàng trữ trái phép chất ma túy theo Quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì.
Ngày 07/11/2018, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Quý tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I. Ngày 8/11/2018, Quý nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, được điều trị tại Khoa 5.
Ngày 11/9/2019, Quý chuyển từ Khoa 5 sang Khoa Phục hồi chức năng điều trị cho đến giờ (bác sĩ điều trị là Đỗ Thị Lưu - Trưởng khoa).
Như vậy, Quý là người đang nằm trong diện chữa bệnh bắt buộc; theo quy định đối tượng phải chấp hành nghiêm các quy định của bệnh viện và chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các y, bác sỹ. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Quý lại được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I “ưu ái” một cách bất bình thường.
Chưa dừng lại ở đó, căn phòng nơi Quý điều trị nằm trong dãy nhà 2 tầng vừa được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2020, theo quy định, muốn lên được tầng 2 đã khó, vào được phòng điều trị của Quý còn khó khăn hơn nhiều khi tại đây có 3 lớp cửa chỉ có các y, bác sỹ mới được quản lý chìa khoá và mở 3 lớp cửa trên nhưng riêng Quý lại được sở hữu một bộ chìa khoá, có thể tuỳ tiện ra, vào bất kể lúc nào(?).
Vậy ở đây, ngoài những “kẽ hở”, có dấu hiệu “tiếp tay”, buông lỏng quản lý của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, thì một điểm nhấn nữa khiến dư luận vô cùng quan tâm đó là kết luận giám định tâm thần đối với Nguyễn Xuân Quý trong vụ án ma túy trước đó, liệu đây có phải là lá “bùa hộ mệnh”?
Trở lại thông tin trước đó, bài học nhãn tiền đã từng xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I và một số bệnh viện có điều trị cho bệnh nhân tâm thần, không ít cán bộ y tế đã phải lĩnh án vì lợi ích mà tiếp tay cho tội phạm khi bán bệnh án tâm thần, để những đối tượng phạm tội “hô biến” thành “bùa hộ mệnh” hay “tấm bình phong” trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Điển hình là vụ án đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hàng chục đối tượng hình sự vào tháng 6/2018, kết quả, 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bác sĩ chuyên khoa II - Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn - kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng đã bị khởi tố vụ án và bắt tạm giam.
Trong đó, Cơ quan điều tra đã yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, thì có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.
Tưởng rằng, sau nhiều vụ việc bác sĩ bệnh viện tâm thần “tiếp tay” cho các đối tượng phạm tội, đã bị phát hiện phanh phui và xử lý trong thời gian qua sẽ làm cảnh tỉnh các cán bộ bệnh viện tâm thần, tuy nhiên, sau sự việc lần này tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I lại lần nữa khiến dư luận vô cùng quan ngại đối với nghề y nói chung và một số bệnh viện tâm thần nói riêng.
Theo một chuyên gia tội phạm học, trước đây tội phạm hình sự thường dùng hồ sơ tâm thần để làm thẻ bài trốn tội, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Sau này, tội phạm ma túy cũng dùng chính thẻ bài đó để không bị xử lý hình sự.
“Việc giám định pháp y tâm thần cực kỳ quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm”, vị chuyên gia này cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, với tội phạm ma túy, đã bị tâm thần làm sao biết cách giấu ma túy, biết bán ma túy, biết sử dụng thủ đoạn ngụy trang bán ma túy để đối phó với cơ quan Công an, 90% tội phạm ma túy đều sử dụng ma túy, khi sử dụng ma túy đá, các đối tượng xuất hiện ảo giác, có đối tượng biểu hiện giống tâm thần. Khi giám định tâm thần không có máy đo, bằng mắt thường, nghe và cảm nhận, đánh giá… Để không bị tội phạm qua mặt, người giám định phải có trình độ chuyên môn cao, thận trọng, khách quan và đặc biệt phái có đạo đức tốt để không bị tội phạm mua chuộc, vì lợi ích vật chất mà làm sai lệch hồ sơ bệnh án. Đặc biệt, cần phải siết chặt công tác quản lý, không để những kẽ hở cho bác sĩ và tội phạm lợi dụng để sai phạm.
Vậy, vụ việc của Nguyễn Xuân Quý xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, có đang đi vào “vết xe đổ” và chiêu trò của các đối tượng phạm tội đã từng sử dụng? Để vận hành được cả một đường dây với nhiều mắt xích, thủ thuật che mắt tinh vi như vụ việc của đối tượng cầm đầu Nguyễn Xuân Quý, liệu một người bình thường có đủ khả năng để thực hiện được hay không, chưa kể đó lại là một bệnh nhân tâm thần?
Liên quan đến vụ việc, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, tình trạng mua, bán trái phép chất ma tuý càng ngày càng báo động. Đặc biệt, điều rất đáng buồn là vụ việc diễn ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, lại xảy ra khi Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng chống ma túy sửa đổi.
Cũng theo đại biểu Lan, có thể đây không phải vụ vi phạm đầu tiên và cũng không phải nơi duy nhất, từ vụ việc này, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các bệnh viện, vì tội phạm có thể cho rằng, đây là nơi an toàn nhất, không ai nghi ngờ. Bên cạnh đó cũng cần phải nghiêm khắc hơn trong công tác phòng, chống ma túy, không chỉ người trực tiếp buôn bán, sử dụng kiếm lời từ ma túy mà cả người gián tiếp như vô trách nhiệm, cho nhập khẩu tiền chất, không quản lý ma túy... đều phải xử lý, nếu không sẽ làm băng hoại toàn xã hội.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), việc phát hiện một phòng bệnh nhân trong bệnh viện được trang bị đầy đủ cách âm, lắp loa lớn, đèn laze để sử dụng trái phép chất ma túy... là sự việc nghiêm trọng, chưa từng có. Để xảy ra sự việc này, phía Bệnh viện Tâm thần Trung ương I không thể nói không biết được, trong khuôn viên bệnh viện, nếu lãnh đạo bệnh viện không biết, không hay, tôi cho là thiếu trách nhiệm.
“Đối với việc này, cơ quan công an cần truy cứu trách nhiệm những người liên đới để làm gương, bên cạnh việc xử lý hình sự các đối tượng là nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có vi phạm, cần phải tiếp tục truy cứu những người có trách nhiệm liên quan, và trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện. Đây là bài học cảnh tỉnh cho các cơ sở dịch vụ thuộc quản lý của Nhà nước”, đại biểu Hòa cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Vụ buôn ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Vì sao đối tượng có thể tự do hoành hành?
12:05, 01/04/2021
Vụ buôn ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Khởi tố 6 đối tượng liên quan
11:27, 02/04/2021
Vụ buôn ma túy tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I: Vì sao tạm đình chỉ công tác Giám đốc và 2 cán bộ?
12:59, 02/04/2021