Hợp tác xã khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm vực dậy khu vực kinh tế tập thể sau ảnh hưởng của COVID-19, thế nhưng, các hợp tác xã khó có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ này.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn sự phát triển chung đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó, các hợp tác xã (HTX) cũng không nằm ngoài vùng ngoại lệ, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất tiền vay, giảm giá tiền điện… thế nhưng, kết quả nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho thấy, khả năng nắm bắt và tiếp cận chính sách của các HTX còn rất hạn chế.
Theo khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam và UNDP, đại dịch đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các HTX ở mức độ bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất), trong đó, HTX thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức tác động 4,83/5. Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận của nhiều HTX cũng bị giảm đáng kể, thống kê chỉ ra, có đến 82,2% số HTX bị giảm doanh thu, trong đó, 42,5% số HTX bị giảm hơn 1/2 doanh thu.
Kết quả khảo sát của các đơn vị trên cũng cho thấy, 41% tổng số HTX trong nhóm khảo sát không biết đến chính sách cho HTX vay lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động; 38% HTX không nắm được chính sách giảm giá điện bán lẻ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Tỷ lệ và số lượng HTX được thụ hưởng chính sách giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 14%; chính sách giảm giá điện và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lần lượt là 12% và 10%; các chính sách còn lại, tỷ lệ HTX được thụ hưởng dao động từ 3 - 6%.
Thực tế, do khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, thời gian qua, không ít HTX phải giảm quy mô hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh thực thi các cơ chế, chính sách, trong thời gian tới, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách cho các HTX, việc này sẽ giúp không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ. Đồng thời, để những chính sách hỗ trợ đối với các HTX có thể đi vào thực tiễn, cũng cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận hơn.
Thông tin với báo chí, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - Sitara Syed khuyến nghị, trong ngắn hạn, Chính phủ cần sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, điều kiện đối với các HTX, đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng thời điểm dành cho các HTX.
Còn theo TS. Hoàng Xuân Trường - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để phát triển được các HTX hiện đại, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, do biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập, Nhà nước cần giúp các HTX tiếp cận và được hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ (khoanh nợ/giãn nợ/miễn thuế/tiếp cận tín dụng)... Giúp các HTX hiểu và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Nguyễn Ngọc Bảo cũng đề nghị Chính phủ chú trọng các giải pháp và chính sách về hỗ trợ tài chính, phát triển chuyên môn, kỹ năng, tay nghề cho lao động tại các HTX.
Theo quan điểm của ông Bảo: “Các chính sách hỗ trợ thời gian tới nên có mức độ ưu tiên và khác biệt hoá đối với những HTX thực hiện mô hình kinh doanh tạo tác động xã hội hoặc sử dụng lao động là người khuyết tật...”.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sửa mà chưa đổi
16:16, 02/04/2021
“Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID bộc lộ bất cập”
09:03, 18/03/2021
“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 vẫn chưa nhất quán”
04:50, 21/01/2021
Chủ tịch VCCI: Cần "nối vòng tay lớn" hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
14:35, 17/12/2020