Bảo hộ thương hiệu Việt: Kẹo dừa Bến Tre và bài học từ đối tác… “ruột”

GIA NGUYỄN 07/05/2021 04:30

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu, chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp Việt Nam, kẹo dừa Bến Tre cũng từng có một thời gian nan khi đối tác ruột “trộm” thương hiệu…

Mặc dù đã hơn 20 năm trôi qua, thế nhưng, câu chuyện về bà Hai Tỏ - chủ thương hiệu kẹo dừa Bến Tre, đi đòi lại thương hiệu từ đối tác “ruột” tại Trung Quốc vẫn là bài học lớn dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tạo dựng và bảo vệ thương hiệu.

Ra đời từ những năm 1976, Cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương, tiền thân của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á (Công ty Đông Á), do bà Nguyễn Thị Tỏ (tên thường gọi là bà Hai Tỏ) sáng lập đã có những dấu ấn nhất định trên thương trường, khi sản phẩm đã vươn ra bên ngoài biên giới.

Hành trình gian truân của thương hiệu kẹo dừa Bến Tre

Bà Hai Tỏ đã trải qua một hành trình gian truân để đòi lại thương hiệu kẹo dừa Bến Tre trước đối tác "ruột" 

Ban đầu, sản phẩm của Cơ sở sản xuất kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia, thế nhưng chỉ sau vài năm kinh doanh trên thị trường này, kẹo dừa mang nhãn hiệu Quê Hương bị làm giả tràn lan. Trước thực trạng đã nêu, bà Hai Tỏ đã xin chuyển nhãn hiệu kẹo dừa Quê Hương sang nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre.

Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm mang nhãn hiệu mới lại bị nhái với số lượng ngày một gia tăng hơn trước…

Nhận thấy, việc thay đổi nhãn mác cũng không thể giải quyết được vấn nạn nhái, vì tại thời điểm đó luật pháp Campuchia chưa bảo hộ người sản xuất nên bà Hai Tỏ quyết định bỏ thị trường Campuchia và chuyển sang thị trường Trung Quốc bởi đây là thị trường mà doanh nghiệp của bà đã chào hàng từ nhiều năm trước.

Những năm 1996 - 1997, lượng kẹo dừa xuất khẩu của Công ty Đông Á qua thị trường Trung Quốc đạt khá cao, bình quân mỗi năm đạt từ 900.000 đến 1 triệu tấn, trung bình mỗi lần xuất đạt hơn chục ngàn tấn.

Tuy nhiên, đến năm 1998 thì doanh số tiêu thụ kẹo dừa tại thị trường này bỗng nhiên sụt giảm nghiêm trọng. Qua tìm hiểu, bà Hai Tỏ được biết, nguyên nhân của sự sụt giảm này xuất phát từ việc trên thị trường đang có sản phẩm kẹo dừa giả, nhái thương hiệu kẹo dừa Bến Tre do Công ty TNHH Rừng Dừa ở Trung Quốc sản xuất.

Và bản thân, Công ty TNHH Rừng Dừa lại chính là đối tác “ruột” của Công ty Đông Á, sau một thời gian hợp tác làm ăn, nhận thấy lợi nhuận từ sản phẩm lớn, doanh nghiệp bạn đã tự tìm đến các thương lái Việt Nam thu mua kẹo dừa, mang về nước rồi gắn mác Kẹo dừa Bến Tre để bán ra thị trường.

Trước sự thật được phơi bày, bà Hai Tỏ trở về Việt Nam đăng ký sở hữu nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre và bằng độc quyền sáng chế, rồi quay lại kiện doanh nghiệp làm nhái sản phẩm của mình.

Thương hiệu kẹo dừa Bến Tre đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu nếu không có sự quyết tâm của chủ sở hữu doanh nghiệp

Thương hiệu kẹo dừa Bến Tre đứng trước nguy cơ đánh mất thương hiệu nếu không có sự quyết tâm của chủ sở hữu

Khó khăn chồng chất khó khăn, tháng 8/1998, bà Hai Tỏ mới hay Công ty TNHH Rừng Dừa đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc được 8 tháng, chỉ còn 3 tháng nữa là được cấp bằng độc quyền.

Cùng với người phiên dịch, bà đến trình bày sự việc tại Cục Quản lý hành chính Công Thương nhãn hiệu hàng hóa quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nêu rõ những thiệt hại về kinh tế và luật pháp mà doanh nghiệp làm giả gây ra tại thị trường Trung Quốc và Việt Nam.

Đồng thời đề nghị đơn vị này, từ chối cấp nhãn hiệu hàng hóa cho Công ty TNHH Rừng Dừa, dựa trên phân loại nhóm 30 (chủng loại kẹo theo quy định của quốc tế) và phê duyệt cho nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre với hình phân biệt là người đàn bà đeo kính.

Tháng 5/1999, sau 8 tháng đăng ký, nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, cho phép lưu hành trên lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời sản phẩm của Công ty Rừng Dừa được xác nhận là hàng nhái, không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Sau đó, bà Hai Tỏ tiếp tục mang giấy tờ chứng nhận thương hiệu kẹo dừa Bến Tre lúc bấy giờ đến tận đảo Hải Nam, nơi Công ty TNHH Rừng Dừa đăng ký trụ sở, thuyết phục chính quyền địa phương xử lý toàn bộ số sản phẩm bị làm giả.

Cuối cùng, ông Chí Xình – Giám đốc Công ty TNHH Rừng Dừa buộc phải đóng cửa nhà máy, ngừng sản xuất kẹo dừa Bến Tre do Công ty Đông Á sở hữu thương hiệu.

Mặc dù, phần chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu thuộc về doanh nghiệp Việt, thế nhưng, đây vẫn là một bài học sâu sắc cho những doanh nghiệp chỉ mải mê bán sản phẩm mà quên định vị giá trị thương hiệu.

Theo các chuyên gia, việc tuân thủ pháp luật, vận dụng đúng các quy định về kinh doanh là một trong những bí quyết để doanh nghiệp tránh rủi ro và gặt hái thành công dù là thị trường trong nước hay ngoài nước, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay, trường hợp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và cạnh tranh không lành mạnh, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Vì vậy, doanh nghiệp, cá nhân cần chủ động đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… đối với sản phẩm mình sở hữu.

Có thể bạn quan tâm

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”

    04:00, 05/05/2021

  • Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên

    Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên

    04:10, 04/05/2021

  • Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?

    Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?

    15:09, 03/05/2021

  • Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vào cuộc!

    Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vào cuộc!

    02:05, 01/05/2021

GIA NGUYỄN