Bảo hộ thương hiệu Việt: Võng xếp Duy Lợi và 2 lần vấp tại 2 thị trường lớn
Với tâm lý chủ quan, “ngại” đăng ký xác lập quyền bảo hộ thương hiệu, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã phải trả giá, vụ việc của võng xếp Duy Lợi có thể coi là bài học lớn cho các doanh nghiệp…
Xoay quanh câu chuyện bảo hộ thương hiệu, không thể không nhắc đến võng xếp Duy Lợi, khi doanh nghiệp này đã phải 2 lần tự bảo vệ mình khi sản phẩm bị xâm phạm dẫn đến tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Nhật Bản.
Năm 2000, thời điểm võng xếp Duy Lợi rất được ưa chuộng không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn được đánh giá cao và đón nhận đông đảo ở nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,…
Thế nhưng, chính thời điểm này, khi doanh số bán của võng xếp Duy Lợi đang tăng vọt thì doanh nghiệp nhận được thông báo từ nhóm Johnson Miki của Nhật Bản yêu cầu phải dừng ngay việc sản xuất loại võng xếp này, hoặc nếu tiếp tục sản xuất và xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thì Duy Lợi phải trả cho nhóm Johnson Miki 4 đô la/sản phẩm, nếu không Miki sẽ kiện đến cùng.
Không chỉ bị cấm bán hàng ở Nhật Bản, Duy Lợi còn bị ngăn chặn phân phối tại 112 quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội sáng chế Quốc tế, với lý do: “Công ty Duy Lợi đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.
Giai đoạn những năm 2000, việc hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, bảo vệ tài sản trí tuệ và xử lý xâm phạm đối với quyền này lại càng mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp khi vướng vào những vụ rắc rối như này, nhất là có sự phản kháng từ phía doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thường “ngậm ngùi cho qua” và tự rút lui,... Nắm được những điểm yếu này, phía Johnson Miki của Nhật Bản được đà làm tới trong tranh chấp với phía Duy Lợi.
Tuy nhiên, ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc công ty võng xếp Duy Lợi đã rất chặt chẽ đối với việc xác lập các quyền sở hữu công nghiệp, trong đó bao gồm cả việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền và đặc biệt là việc bảo hộ kiểu dáng công ngiệp và bằng sáng chế cho sản phẩm của mình.
Chính vì vậy, ông đã có đầy đủ bằng chứng để phản bác lại nhóm Johnson Miki và chứng mình được quyền của mình lên Cơ quan sáng chế Nhật Bản.
Kết quả, cơ quan sáng chế Nhật Bản đã hủy bỏ văn bằng giải pháp hữu ích “khung võng tiện dụng” của nhóm Johnson Miki. Tháng 3/2003, thương hiệu võng xếp Duy Lợi đã được trả lại tất cả các quyền về sở hữu công nghiệp và khai thông hàng hóa thị trường tại Nhật Bản.
Tưởng chừng mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, thế nhưng, lại một lần nữa võng xếp Duy Lợi vướng vào trường hợp tương tự và lần này là ở thị trường Mỹ. Tại thị trường này, Duy Lợi chỉ xuất hàng sang một lần và sau đó không nhận thêm được bất kỳ tin tức phản hồi.
Nhận thấy bất thường, Công ty Duy Lợi tiến hành tìm hiểu và phát hiện ra một doanh nghiệp tại Mỹ do ông Chung Sen Wu là người đại diện đứng ra đăng ký sáng chế sản phẩm võng xếp có cấu trúc và tính năng như sản phẩm của công ty Duy Lợi, cơ quan sáng chế tại Mỹ đã cấp bằng cho ông Chung Sen Wu, vì thế võng xếp Duy Lợi không được xuất hàng vào thị trường này nữa.
Với bằng chứng là các văn bằng độc quyền liên quan đến sản phẩm, đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp từ năm 2000, ông Lâm Tấn Lợi lại một lần nữa đích thân sang Mỹ để yêu cầu cơ quan sáng chế hủy hiệu lực của bằng sáng chế mà cơ quan này đã cấp cho ông Chung Sen Wu.
Sau hơn một năm theo đuổi, ông Lợi đã đòi lại được thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Theo các chuyên gia, câu chuyện về sản phẩm võng xếp Duy Lợi là một ví dụ về tầm quan trọng trong việc doanh nghiệp tự bảo vệ chính tài sản trí tuệ của mình bằng pháp luật. Việc không đăng ký hoặc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế,… rất có thể khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội để thực hiện được việc xác lập các quyền sở hữu đó. Và một khi mất đi quyền đăng ký bảo hộ cho chính tài sản trí tuệ của mình thì hậu quả sẽ rất khó lường, đơn cử là việc khai thác lợi ích từ những sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Nếu doanh nghiệp không đăng ký hoặc chậm đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp từ khi sản phẩm mới hình thành thì khi vướng vào những rắc rối như Công ty Duy Lợi đã từng, chắc chắn sẽ mất luôn quyền sản xuất và đưa sản phẩm của mình vào các quốc gia khác. Qua những bài học nhãn tiền đã và đang hiện hữu, thiết nghĩ doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh cần ý thức hơn về đăng ký bảo hộ thương hiệu để có thể tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, nhất là những tranh chấp liên quan đến quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Bảo hộ thương hiệu Việt: Kẹo dừa Bến Tre và bài học từ đối tác… “ruột”
04:30, 07/05/2021
Bảo hộ thương hiệu Việt: Vinataba và cuộc bạo chi tiền tỷ tìm lại “chỗ đứng”
04:00, 05/05/2021
Bảo hộ thương hiệu Việt: Bài học từ cà phê Trung Nguyên
04:10, 04/05/2021
Từ vụ gạo ST25, những thương hiệu Việt nào từng dính đến tranh chấp sở hữu?
15:09, 03/05/2021
Gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu: Thương vụ Việt Nam tại Mỹ vào cuộc!
02:05, 01/05/2021