Cần cú hích chính sách cho ô tô điện thân thiện môi trường
Ô tô chạy điện thân thiện môi trường là xu thế tất yếu trong đời sống hiện nay, thế nhưng, để phát triển lĩnh vực này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành những chính sách ưu đãi…
Theo đó, để thúc đẩy phát triển và sớm hình thành ngành sản xuất ô tô điện, thân thiện với môi trường, nhiều quốc gia phát triển như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada... đã đưa ra các chính sách ưu đãi đột phá, vượt trội. Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm 50 - 100% phí đăng ký sử dụng xe điện, giảm thuế cho nhà sản xuất xe điện, người dùng xe điện được hỗ trợ hoặc miễn phí sạc pin.
Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một loạt trợ cấp với người mua xe điện như giảm giá toàn quốc 55.000 NDT (17.000 USD), giảm 30.000 NDT/xe PHEV (xe kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong), chưa kể chính quyền các địa phương cũng hỗ trợ thêm cho người mua ô tô điện khoảng 55.000 NDT/xe.
Cụ thể, Trung Quốc cũng áp dụng chính sách trợ cấp cho nhà sản xuất xe điện từ 3.500 - 6.400 euro/xe, trợ cấp 30% chi phí xây dựng trạm sạc, người sử dụng xe điện được miễn phí đi cao tốc, chỗ đỗ xe...
Tương tự, Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách trợ cấp người dùng 7.500 USD/ôtô điện (BEV), 5.000 USD/xe PHEV; một số bang có thêm chính sách trợ cấp thêm khoảng 2.500 USD cho người mua ô tô điện.
Chính phủ Đức cũng trợ cấp cho người mua khoảng 4.000 euro/BEV và 3.000 euro/PHEV, chưa kể quỹ chi cho giảm giá xe điện và xây dựng trạm sạc lên tới 1 tỉ euro.
Còn Đan Mạch giảm 80% thuế, Tây Ban Nha miễn 75% thuế mua bán xe điện, Nhật Bản miễn các loại thuế liên quan đến mua và sở hữu xe điện. Na Uy miễn thuế mua bán, nhập khẩu, thuế VAT, thuế nhiên liệu, thuế lưu thông xe điện…
Từ đó cho thấy, việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, được khuyến khích tại nhiều quốc gia. Do đó, Việt Nam cần sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất ô tô điện, thân thiện với môi trường.
Thực tế, nhiều chuyên gia đã có những khuyến cáo về chiến lược phát triển ngành sản xuất ô tô điện, thân thiện với môi trường tại Việt Nam, bởi nếu chính sách này không tốt hoặc chậm ban hành không chỉ kéo lùi sự phát triển theo xu hướng, mà còn dẫn tới nguy cơ hủy hoại ngành công nghiệp xe điện, thân thiện môi trường nội địa. Trong đó, bài học về thị trường xe đạp, xe máy điện những năm qua là một ví dụ điển hình khi không có sự chuẩn bị dẫn tới tình trạng buông lỏng quản lý cho xe đạp và xe máy điện chất lượng thấp tràn ngập thị trường, khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Cán bộ Viện cơ khí động học (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, Việt Nam không chỉ phát triển thị trường ô tô điện mà cần phát triển cả ngành sản xuất xe điện, nói cách khác là phát triển ngành công nghiệp ô tô điện nội địa.
Theo ông Phúc, Việt Nam có lợi thế khi phát triển sản xuất ô tô điện so với một số nước trong khu vực vì không quá lệ thuộc vào các dây chuyền sản xuất ô tô động cơ đốt trong. Chẳng hạn tại Thái Lan, khi chuyển sang sản xuất ô tô điện, toàn bộ hệ thống nhà cung cấp, sản xuất phụ tùng ôtô động cơ đốt trong bị đứt gãy. Trong khi đó, Việt Nam bắt tay vào sản xuất xe điện trong thế không có gì để mất. Do đó, cần tận dụng cơ hội này, ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa đầu tư.
"Ngành sản xuất ô tô điện hiện nay không phải chỉ cạnh tranh giữa các hãng sản xuất mà là giữa các quốc gia. Quốc gia nào có chính sách tốt thì ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện sẽ phát triển và ngược lại", ông Phúc khẳng định.
Còn theo ông Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, cái khó nhất của ngành sản xuất ô tô điện trong nước hiện nay là một chính sách hỗ trợ phù hợp chứ không phải công nghệ, trong khi các nhà sản xuất vẫn đang chờ chính sách để quyết định đầu tư.
"Công nghệ xe điện đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, ít nhất với xe vận tải hành khách tuyến ngắn như xe buýt điện trong thành phố. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong chính sách", ông Giám nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm vàng để Việt Nam chuyển đổi từ chính sách phát triển công nghiệp ô tô sang chính sách phát triển công nghiệp ô tô điện, thân thiện với môi trường khi ngành công nghiệp sản xuất ôtô điện thế giới vẫn còn khá non trẻ, nhiều hãng đang tìm địa điểm, nơi để đầu tư tin cậy. Do đó, Việt Nam cần tận dụng lợi thế, điều kiện thuận lợi này để đạt đến mặt bằng công nghệ sản xuất ôtô điện thế giới.
Thực tế, liên quan tới kiến nghị đưa ô tô điện, thân thiện với môi trường vào danh mục đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và không thu lệ phí trước bạ, nhiều Tập đoàn cũng mong muốn, Chính phủ sớm có chính sách ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích người tiêu dùng.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, để hình thành ngành sản xuất ô tô điện, cần một chính sách tổng lực với 3 hướng: hỗ trợ nghiên cứu phát triển ô tô điện; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ ôtô điện. Đặc biệt, cần có những ưu đãi thuế, phí đủ mạnh, chính sách kích cầu tiêu dùng để phát triển thị trường, ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về vốn, đất đai cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô điện.
Còn theo ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc chuyển đổi sang xe chạy điện, thân thiện môi trường là xu thế hiện nay nhưng cần một lộ trình ưu đãi phù hợp, hạn chế gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô truyền thống.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chính sách ưu đãi thuế với ô tô điện chạy pin
21:52, 11/06/2021
Người dùng ô tô điện VinFast sẽ được hưởng 3 "đặc quyền" gì?
14:30, 21/05/2021
Các hãng ô tô điện Trung Quốc “nhăm nhe” thị trường châu Âu
11:08, 22/04/2021
Trung Quốc tham vọng bá chủ ô tô điện
11:00, 12/04/2021
Chính sách bán hàng độc đáo có thể giúp VinFast phổ cập ô tô điện tại Việt Nam?
15:30, 05/04/2021