Chính sách cho ô tô điện thân thiện môi trường: Không thể chậm
Bên cạnh những góp ý, đánh giá ủng hộ chính sách phát triển ô tô điện thân thiện với môi trường từ các bộ, ngành, VCCI cho rằng, nếu quá chậm sẽ bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển…
Phát triển ô tô điện thân thiện với môi trường được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, vậy nên, trước đề xuất về việc cần cú hích về mặt chính sách, nhiều bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đều bày tỏ quan điểm đồng tình.
Theo Bộ Tài chính, ở nhiều nước trên thế giới, dòng ô tô điện được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí từ phát thải phương tiện giao thông. Để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường, Bộ Tài chính dự kiến báo cáo Thủ tướng về một số văn bản cần sửa đổi và thẩm quyền.
Cụ thể, với thuế tiêu thụ đặc biệt, đây là nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải trình cơ quan này để sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Về lệ phí trước bạ, theo Bộ Tài chính, các nội dung liên quan mức thu thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 140/2016/NĐ-CP. Bộ Tài chính cũng cho biết đang tổng kết và dự định trình Chính phủ sửa nghị định trên trong quý 4 năm nay.
"Trường hợp phải ban hành sớm hơn thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Còn theo Bộ Công Thương, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất, kích thích người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, góp phần giảm lượng khí thải là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Để khuyến khích, sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng ô tô điện chạy pin, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của các phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường và việc đề xuất ưu đãi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ thực sự là cần thiết để phát triển nhóm sản phẩm này", Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - Phạm Tuấn Anh nhận định.
Bên cạnh đó, trong văn bản góp ý, Bộ Công Thương cũng đồng tình với Bộ Tài chính và cho rằng, để triển khai chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện, cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hay Nghị định số 140/2016…
“Do đó, trong thời gian các văn bản trên được xem xét sửa đổi, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp để thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam, như: phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện; phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện…”, Bộ này nêu quan điểm.
Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Lê Đình Thọ cũng kiến nghị Bộ Tài chính có sự điều chỉnh chính sách ưu đãi phù hợp như thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ.
“Bộ Tài chính nên tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chính sách ưu đãi và thực tiễn phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước để tham mưu với Chính phủ, Quốc hội đưa ra lộ trình ưu đãi phù hợp”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.
Góp ý về chính sách này, VCCI cho hay, đây là chính sách rất cần thiết để thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô chạy pin, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này tại Việt Nam.
Trong đó, về lộ trình và cách thức ban hành, VCCI đề nghị, chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ với những dòng xe ôtô chạy điện và pin cần được ban hành nhanh chóng, triển khai được ngay trên thực tế để phát huy hiệu quả tốt nhất của chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Còn với lệ phí trước bạ, VCCI cho rằng, cần ưu tiên đưa dự thảo sửa đổi Nghị định về lệ phí trước bạ vào chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ sớm nhất.
Đồng thời, với thuế tiêu thụ đặc biệt, VCCI đề nghị, Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô chạy bằng pin trong thời gian nhất định thay vì chờ sửa tổng thể Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi quy trình sửa đổi một đạo luật thuế như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều ngành khác nhau, lộ trình 2 kỳ họp sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Nếu quá chậm sẽ bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển”, VCCI nêu quan điểm.
Bên cạnh các giải pháp về thuế như đề xuất, thông tin với báo chí, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần một tổ hợp chính sách liên ngành, từ thuế, tới phát triển hạ tầng, thông tin, hay việc hỗ trợ đầu tư cho R&D (nghiên cứu và triển khai).
Ông Tuấn khẳng định, đây là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá bởi với ô tô điện, Việt Nam đang xuất phát gần như đồng thời với thế giới.
Trước đó, tại cuộc họp về kiến nghị của Tập đoàn Vingroup mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, hoàn thiện nội dung đánh giá về đề xuất áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện của Tập đoàn Vingroup.
Có thể bạn quan tâm
Cần cú hích chính sách cho ô tô điện thân thiện môi trường
04:30, 24/06/2021
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chính sách ưu đãi thuế với ô tô điện chạy pin
21:52, 11/06/2021
Người dùng ô tô điện VinFast sẽ được hưởng 3 "đặc quyền" gì?
14:30, 21/05/2021
Các hãng ô tô điện Trung Quốc “nhăm nhe” thị trường châu Âu
11:08, 22/04/2021
Chính sách bán hàng độc đáo có thể giúp VinFast phổ cập ô tô điện tại Việt Nam?
15:30, 05/04/2021