Quy định kiểm dịch “ta làm khó mình”
Sản phẩm thực phẩm được kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng lại được "mang tên" kiểm dịch đang đi ngược tinh thần cải cách của Chính phủ.
Trao đổi với DĐDN ngày 5/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT một lần nữa lại tiếp tục đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thủy sản như đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền… thuộc danh mục phải kiểm dịch.
- Dù VASEP đã nhiều lần kiến nghị, nhưng danh sách kiểm dịch nhập khẩu với mặt hàng thuỷ sản vẫn không cải thiện, thưa ông?
Dù Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ "sản phẩm động vật" thuộc diện phải kiểm dịch, nhưng các văn bản dưới luật lại đang chi tiết hoá theo hướng đa dạng hơn các sản phẩm cần kiểm dịch. Nhiều năm qua, các thông tư về “kiểm dịch” của Bộ NN&PTNT từ Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018, Thông tư 15/2018 và đến nay là dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018 vẫn tiếp tục duy trì "hàng chế biến dùng làm thực phẩm” vào danh mục phải kiểm dịch. Quy định này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải kiểm tra nhập khẩu hiện nay là rất lớn.
Trong khi đó, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua chỉ chiếm mức 0,001%, thậm chí năm 2019 không có tờ khai nào bị vi phạm. Do đó, việc duy trì các đối tượng “hàng chế biến dùng làm thực phẩm” phải kiếm dịch qua các năm là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế. Bất cập gây phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của thuỷ sản Việt.
- Thực tiễn hoạt động kiểm tra sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu của các quốc gia khác có sự khác biệt với Việt Nam không, thưa ông?
Trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam để dùng làm thực phẩm cho người cũng chỉ áp dụng “kiểm tra an toàn thực phẩm” thuỷ sản nhập khẩu bao gồm các chỉ tiêu: cảm quan, vi sinh vật gây hại và/hoặc kháng sinh, hóa chất.
Ngoài việc đánh giá công nhận tương đương, công nhận lẫn nhau, EU và nhiều thị trường đều yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm bởi NAFIQAD chứ không phải là chứng nhận kiểm dịch.
Như vậy, thật lạ khi là cùng đối tượng nhập khẩu sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm, cùng là thành viên của WTO, Codex, OIE và cùng cách làm, cùng kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm nhưng sao tại Việt Nam lại đặt tên hoạt động này là kiểm dịch? Quy định về kiểm dịch với danh mục đối tượng hàng hoá này đúng là “ta tự làm khó mình”!
- VASEP có kiến nghị tháo gỡ khó khăn, bất cập này như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi kiến nghị trả lại tên “kiểm tra an toàn thực phẩm” đối với với việc kiểm tra nhập khẩu thuỷ sản chế biến làm thực phẩm cho người thay vì mang tên “kiểm dịch nhập khẩu”.
Bởi nhiều sản phẩm chế biến từ động vật-sản phẩm động vật thủy sản hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật thủy sản” hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh… khi nhập khẩu dùng cho con người tiêu dùng đang thực hiện kiểm tra với các chỉ tiêu của an toàn thực phẩm nhưng lại mang tên là hoạt động kiểm dịch theo Luật Thú y là không đúng và không phù hợp. Điều này không chỉ sai về bản chất khoa học, đánh tráo khái niệm, và trực tiếp khiến danh mục hàng hóa, bao gồm hàng chế biến, đông lạnh phải chịu kiểm tra nhập khẩu không giảm đi.
Mục đích kiểm dịch chỉ nên tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao chỉ nên áp dụng với sản phẩm tươi sống, còn sản phẩm đã chế biến nên áp dụng kiểm soát an toàn thực phẩm theo Luật An toàn Thực phẩm.
Việc mở rộng phạm vi kiểm dịch quá mức cần thiết là không phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ. Những kiến nghị của chúng tôi suốt nhiều năm qua là phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở khoa học và đúng với chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT:
Thực tế trong quản lý của ngành nông nghiệp vẫn còn có nhiều quy định các bên đều cho là đúng nhưng khi triển khai vào thực tế đôi khi khiến hiệu quả công việc không cao. Ngoài việc sửa cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thì phần không kém nữa là sửa thái độ làm việc cán bộ công chức. Một nền hành chính đúng nghĩa thì thái độ phải là gốc, cần thay đổi.
Một số doanh nghiệp còn vướng mắc về kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có kiến nghị của VASEP. Bộ NN&PTNT sẽ đi theo hướng VASEP đề xuất là phân loại mặt hàng cần kiểm dịch và mặt hàng cần kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng giao nhận và đại lý hải quan Công ty CP T&M Forwarding:
Suốt 10 năm qua sau các lần sửa đổi quy định về danh mục phải kiểm dịch luôn duy trì "hàng chế biến dùng làm thực phẩm” vào danh mục phải kiểm dịch. Theo đó, 100% container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra dù là nhập cho mục đích gì và có lịch sử ra sao. Các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch tăng liên tục những năm gần đây.
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Kiến nghị làm thủ tục trên hệ thống 1 cửa quốc gia
04:30, 18/06/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Quy định bất hợp lý, gây tốn kém
11:01, 02/06/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?
15:02, 19/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư
11:00, 13/05/2021
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch
11:00, 05/05/2021