Phúc đáp thông tin phản ánh của DĐDN, Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cho rằng, về lĩnh vực kiểm dịch thủy sản, đơn vị cũng đã sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục... hành chính.
Như DĐDN đã thông tin, mặc dù thực hiện Nghị quyết số 19 và sau này là Nghị quyết số 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, về “cải cách, cắt giảm kiểm dịch thuỷ sản đông lạnh”. Tuy nhiên, càng sửa đổi, bổ sung, kiểm dịch thuỷ sản nhập khẩu lại tăng lên đáng kể về Danh mục hàng hoá phải kiểm dịch, nhất là việc đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y.
Đã đơn giản hóa thủ tục
Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, không có chuyện mở rộng “Danh mục hàng thủy sản” phải kiểm dịch để làm khó doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản. Theo đó, ngày 25/12/2018 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Theo Cục Thú y, các nội dung được cắt giảm và đơn giản hóa, cụ thể như sau:
Về Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm dịch thủy sản: đã được cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (tỷ lệ cắt giảm được là 36%); Không kiểm dịch nhập khẩu đối với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.
Về tần suất lấy mẫu: dựa trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro, đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 80%); đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) cứ 03 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 80%) và không thực hiện việc kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Về chỉ tiêu kiểm tra: đối với Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 33,33%); Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế đã cắt giảm 3/7chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 42,85 %); Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (tỷ lệ cắt giảm được là 50%).
Kiến nghị có bị “ngó lơ”?
Thông tin với DĐDN, Cục Thú y cũng cho hay, đang phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT để rà soát Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT và khẳng định, không có chuyện mở rộng “Danh mục hàng thủy sản” phải kiểm dịch, công tác kiểm dịch sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu đã được cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qua đó đã cắt giảm nhiều thời gian, chi phí,... cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản.
Với các nội dung nêu trên, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) xác nhận, đơn vị chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía Cục Thú y, nếu có, đơn vị sẽ có những phản hồi đầy đủ và xác đáng với báo chí.
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch
11:00, 05/05/2021
VASEP: "Đưa hàng hóa xuất khẩu vào Dự thảo nghị định ghi nhãn hàng hóa là bất hợp lý!"
07:12, 11/08/2020
VASEP: Doanh nghiệp “hụt hẫng” vì điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ hậu COVID-19
06:00, 30/06/2020
VASEP kiến nghị Chính phủ khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản
16:33, 26/05/2020