Ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sau COVID doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đối diện với nhiều khó khăn như thiếu lao động, thiếu nguyên liệu…
Chiều nay (26/5), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19”.
Doanh nghiệp thủy sản khó chồng khó
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, sau COVID sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng” trong khi đó chi phí sản xuất tăng cao.
“Bên cạnh đó, tình trạng lao động, nguyên liệu cho các công ty chế biến xuất khẩu thủy sản sẽ thiếu và ngày càng khó khăn”, ông Nam nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Nam, lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Qua đại dịch COVID-19, thấy rõ một điểm yếu của ngành nông-thuỷ sản là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Hàng loạt hàng hoá ách tắc tại cửa khẩu biên giới, không có hệ thống kho lạnh ngoại quan hỗ trợ xuất nhập khẩu.
Ngoài, ra, đại diện VASEP cũng khẳng định doanh nghiệp cũng không đủ công suất kho lạnh để chứa hàng hoá và nguyên liệu.
“Các cơ chế-chính sách hiện có cho nhu cầu đầu tư kho bảo quản thủ tục còn phức tạp và kể cả phê duyệt thì lãi suất ưu đãi sau đó cũng chỉ thấp hơn lãi suất vay trung hạn thương mại một chút, không thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Nam nói.
Đề xuất các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính
Để gỡ khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn hạn này, ông Nam nhấn mạnh cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như hậu COVID-19. Điều này có ý nghĩa và tác động rất lớn tới sự ổn định và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
“Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7-8/2020 khi chúng ta có cơ hội lớn về thị trường - thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường”, ông Nam nói.
Ngoài ra, ông Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân:
Đồng thời, ông Nam kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định chung chung toàn bộ công việc chế biến thủy sản là “nặng nhọc độc hại” như hiện nay đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực lao động của doanh nghiệp thủy sản, trong khi bản chất chỉ có 7-8 vị trí công việc cụ thể trong nhà máy là nặng nhọc-độc hại.
Trong dài hạn, đại diện Vasep đề nghị Chính phủ và các Bộ tạo điều kiện thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh.
Cùng với đó, VASEP đề nghị Chính phủ hỗ trợ phát triển và tăng sức cạnh tranh cho ngành nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có giá thành nuôi tốt hơn.
Nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông-thuỷ sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa. Kiến nghị nghiên cứu cách tổ chức các Trung tâm phân phối hàng thuỷ sản ở phía Việt Nam cung cấp thường xuyên và ổn định cho nhu cầu ở phía các tỉnh giáp biên của Trung Quốc.
Đồng thời, đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và có cơ chế để khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản.