Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?

ANH KHÔI 19/05/2021 15:02

Mặc dù phản hồi đến DĐDN, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, các nội dung kiểm dịch đã được cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, thế nhưng, VASEP cho rằng khái niệm kiểm tra đang bị “đánh tráo”… 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều sản phẩm chế biến từ động vật - sản phẩm động vật thủy sản hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật thủy sản” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) khi nhập khẩu dùng cho con người tiêu dùng đang thực hiện kiểm tra với các chỉ tiêu của an toàn thực phẩm nhưng lại mang tên là hoạt động “kiểm dịch” (theo Luật Thú y) là không đúng và không phù hợp. Điều này không chỉ sai về bản chất khoa học, “đánh tráo” khái niệm, và trực tiếp khiến danh mục hàng hóa, bao gồm hàng chế biến, đông lạnh phải chịu kiểm tra nhập khẩu không giảm đi.

 VASEP cho rằng việc Danh mục sản phẩm thủy sản phải chịu kiểm tra tăng lên do bị “đánh tráo” khái niệm (Ảnh: VASEP)

VASEP cho rằng việc Danh mục sản phẩm thủy sản phải chịu kiểm tra tăng lên do bị “đánh tráo” khái niệm (Ảnh: VASEP)

Không đúng và không phù hợp…

Cụ thể, tại Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT với tên gọi “Kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản…”, Danh mục chỉ tiêu kiểm tra bao gồm: Cá và thủy sản tươi, đông lạnh (phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng): Salmonella, E. Coli, V. cholerae, V. parahaemolyticus; Sản phẩm chế biến từ cá và thủy sản (dùng trực tiếp, không qua xử lý nhiệt trước khi sử dụng): E.coli, Cl.perfringens, Salmonella, V. parahaemolyticus; Thủy sản khô sơ chế (phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng): E.colo, S.aureus, Salmonella, V. parahaemolyticus; Giáp xác và động vật thân mềm có vỏ hoặc đã bỏ vỏ gia nhiệt: E. coli, S.aureus, Salmonella.

Theo đó, Cục Thú y đang kiểm tra các lô hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm như: Kiểm cảm quan, ngoại quan: Mẫu 13 “Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật” (số lượng, trọng lượng, nhiệt độ bảo quản, quy cách bao gói, tình trạng hàng hóa, kết luận ngoại quan lô hàng…).

Trường hợp phải lấy mẫu kiểm nghiệm sẽ kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại như danh mục nêu trên, và căn cứ để kết luận các chỉ tiêu kiểm tra đạt yêu cầu về vi sinh theo giới hạn cho phép hay không là căn cứ vào Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế. Quyết định 46/2007 của BYT là quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm, ban hành căn cứ trên Pháp lệnh vệ sinh An toàn thực phẩm (ATTP) số 12/2003 năm 2003 của UBTV Quốc hội.

“Rõ ràng, các chỉ tiêu VSV gây hại trên là các chỉ tiêu ATTP – kiểm soát ngưỡng an toàn trong thực phẩm dùng cho người, hoạt động kiểm tra như trên là hoạt động kiểm tra ATTP”, VASEP nhấn mạnh.

Bản chất là “kiểm tra an toàn thực phẩm”

Theo Phó tổng Thư ký VASEP - Nguyễn Hoài Nam, về bản chất kiểm dịch động vật (trên cạn, dưới nước) nhập khẩu chính là kiểm soát sự lây lan dịch bệnh cho vật nuôi và môi trường vật nuôi, chứ không phải là kiểm soát các tác nhân gây ra dịch bệnh cho con người.

Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh, Canada và hầu hết các quốc gia phát triển, đang phát triển trên thế giới mà có nhập khẩu (khoảng 160 quốc gia) sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện nay (chủ yếu là chế biến đông lạnh, đồ hộp, hàng khô…) để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra ATTP thủy sản nhập khẩu – bao gồm các chỉ tiêu: cảm quan, vi sinh vật gây hại và/hoặc kháng sinh, hóa chất.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, xuất khẩu sản phẩm thủy sản đi các thị trường khác nhau đều quen và hiểu rõ nguyên tắc HACCP và các chỉ tiêu ATTP mà doanh nghiệp phải áp dụng cũng như để vượt qua kiểm soát nhập khẩu của các nước”, ông Nam viện dẫn.

Cũng theo ông Nam, biện pháp và các chỉ tiêu mà Việt Nam (giao Cục Thú y) kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm như tại Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT với tên gọi “Kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản…” cũng hoàn toàn tương đồng với cách thức mà các nước trên thế giới áp dụng. Chỉ khác duy nhất là, các nước gọi đúng và đủ tên của biện pháp kiểm soát là “kiểm tra An toàn thực phẩm”, còn Việt Nam thì trong các năm qua lại được áp tên là “kiểm dịch” dẫn đến hệ lụy, việc kiểm tra nhập khẩu đối với hàng hóa này không được áp dụng theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn một số điều của Luật ATTP, trực tiếp dẫn tới Danh mục sản phẩm thủy sản phải chịu kiểm tra là rất nhiều.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Cục Thú y sẽ rà soát thông tư

    11:00, 13/05/2021

  • Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch

    Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch

    11:00, 05/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thủy sản gặp khó vì “bó” kiểm dịch: Ai đã đánh tráo khái niệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO