Doanh nghiệp

Siết chặt quản lý mã số vùng trồng với trái cây Việt Nam

Thy Hằng 12/01/2025 14:37

Nhận cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu áp dụng quy định mới, siết chặt kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng trái cây, trong đó có sầu riêng.

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, từ ngày 20/1, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.

1.jpg
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT thông báo quy định mới khi kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng mít và sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh hoạ

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, đơn vị này có văn bản gửi sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng, cùng đại diện các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thông báo về quy định mới khi kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng mít và sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mới nhận được cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với lô hàng sầu riêng và mít xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và nguy cơ cao sẽ đánh mất thị phần của Việt Nam.

Để tăng cường quản lý chất lượng các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục bố trí kinh phí và con người để kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu..

Do đó, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số; tuyên truyền, tập huấn phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo văn bản số 2635/BVTV-HTQT ngày 9/10/2023 của Cục Bảo vệ thực vật.

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và thực hiện truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu của nước nhập khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN&PTNT thông báo, hướng dẫn chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng, cơ sở đóng gói của mình thì gửi văn bản thông báo về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được giao việc cấp và quản lý mã số về dự kiến, khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.

Sau khi nhận được văn bản thông báo của chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật đồng thời cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các chi cục kiểm dịch thực vật vùng lấy cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20.1.

Để thống nhất đầu mối quản lý, Cục Bảo vệ thực vật và các chi cục kiểm dịch thực vật vùng sẽ không nhận thông báo trực tiếp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đại diện mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Bắt đầu từ ngày 20/1, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng dựa trên các báo cáo tổng hợp của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.

ttxvn_2009saurieng1.jpg
Từ ngày 20/1, các chi cục kiểm dịch thực vật vùng thực hiện thủ tục kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.

Như DĐDN đã đưa tin trước đó, gần đây đã có tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền xử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế... để lừa đảo doanh nghiệp qua mặt các cơ quan chức năng của Nhà Nước nhằm trực lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã có thông cáo báo chí phản đối mạnh mẽ trước thực trạng này.

Theo VINAFRUIT, hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tin của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế, mà còn gây thiệt hại lớn cho quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh đoanh sầu riêng chân chính.

VINAFRUIT cho rằng, các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp do mã số bị Trung Quốc thu hồi vì vi phạm chất lượng quy định.

Đồng thời, hành vi gian lận này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sầu riêng đúng quy định.

Trước đó, cuối tháng 12/2024, Liên minh châu Âu đã thông báo sẽ tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam tại biên giới từ 10% lên 20% từ ngày 8/1/2025 vì phát hiện tồn dư nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép (theo tiêu chuẩn châu Âu).

Để giải quyết tình trạng này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát: Rà soát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã có tố giác hoặc chưa có.

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu mã số: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thứ ba, công khai thông tin: Công khai danh sách các cơ sở sản xuất, đóng gói sầu riêng đạt chuẩn, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm tin cậy. Hoặc những doanh nghiệp đã vi phạm việc sao chép mã số bất hợp pháp để xuất khẩu sầu riêng ...và các hình thức đã xử lý của các cơ quan nhà

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng nhau chống lại hành vi gian lận thương mại. Hiệp hội Rau quả Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất sầu riêng hãy cùng chung tay bảo vệ uy tín của ngành hàng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Siết chặt quản lý mã số vùng trồng với trái cây Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO