Hiệp hội Rau quả Việt Nam lên án mạnh mẽ hành vi gian lận thương mại xuất khẩu sầu riêng.
Báo cáo của hải quan cho biết, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 3,1 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất rau quả năm nay.
Theo đó, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng. Mức này tăng 43% so với cùng kỳ 2023.
Thái Lan đứng thứ hai, nhập khoảng 177 triệu USD trái sầu riêng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Hong Kong, Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Riêng trái sầu riêng Việt xuất sang Campuchia tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng và ngành rau quả nói chung. Hiệp hội này tính toán, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sầu riêng chiếm gần một nửa số thu từ xuất khẩu rau quả.
Đáng lư ý, triển vọng xuất khẩu sầu riêng trong năm 2025 được đánh giá rất tích cực khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho các sản phẩm sầu riêng chế biến sẵn như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng. Những sản phẩm này không chỉ gia tăng giá trị cho ngành mà còn tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, đặc biệt là những trái sầu riêng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên quả. Đây là cơ hội lớn để ngành sầu riêng Việt Nam tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 154.000 ha diện tích trồng sầu riêng, với sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn mỗi năm, tăng trưởng trung bình 15%. Nhờ thời gian thu hoạch kéo dài quanh năm, ngành sầu riêng luôn đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Tuy nhiên, hiện có tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền xử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế... để lừa đảo doanh nghiệp qua mặt các cơ quan chức năng của Nhà Nước nhằm trực lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) vừa có thông cáo báo chí phản đối mạnh mẽ trước thực trạng này.
Theo VINAFRUIT, hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tin của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế, mà còn gây thiệt hại lớn cho quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh đoanh sầu riêng chân chính.
VINAFRUIT cho rằng, các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp do mã số bị Trung Quốc thu hồi vì vi phạm chất lượng quy định.
Đồng thời, hành vi gian lận này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sầu riêng đúng quy định.
Chính vì vậy, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát: Rà soát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã có tố giác hoặc chưa có.
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu mã số: Hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thứ ba, công khai thông tin: Công khai danh sách các cơ sở sản xuất, đóng gói sầu riêng đạt chuẩn, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm tin cậy. Hoặc những doanh nghiệp đã vi phạm việc sao chép mã số bất hợp pháp để xuất khẩu sầu riêng ...và các hình thức đã xử lý của các cơ quan nhà
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế: Tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng nhau chống lại hành vi gian lận thương mại. Hiệp hội Rau quả Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất sầu riêng hãy cùng chung tay bảo vệ uy tín của ngành hàng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.