Doanh nghiệp

Cơ chế hỗ trợ phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản

Bài - Ảnh: Thy Hằng 23/12/2024 17:10

Thứ trưởng Võ Văn Hưng đề xuất bổ sung cơ chế hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản.

Phát biểu tại “Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng đánh giá cao những kết quả, thành tựu đáng ghi nhận, cũng như các giải pháp, kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm tạo đột phá cho ngành Công Thương trong năm 2025.

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025” có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025 với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bên liên quan triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản trong nước, đàm phán mở cửa và phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong năm 2025 và các năm tới.

Đặc biệt, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị đầu mối triển khai có hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp công tác số 01/CTPH-BCT-BNNPTNT ký kết ngày 13/7/2021 "về phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, những năm qua là giai đoạn khó khăn với nhiều phức tạp, khó lường về kinh tế, địa chính trị, cùng với đó kinh tế - xã hội vẫn chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, các yếu tố địa chính trị và cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc đã có tác động ít nhiều đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành và địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói chung đã đạt được những bước tiến vượt bậc.

"Với sự vào cuộc đồng bộ của ngành Công Thương trong năm 2024, đã tạo ra bứt phá trong sản xuất và xuất khẩu nông lâm sản thủy sản khi giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%", Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh và thông tin, lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD (ước đạt 62,7 tỷ USD năm 2024), tăng trên 18% so năm 2023.

11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD, thủy sản 10 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu lẩm sản, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%,...).

"Sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị hai bộ cũng như sự ủng hộ, đồng hành của các bộ, ngành, cơ quan địa phương đang góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045", Thứ trưởng Võ Văn Hưng cho hay.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự sẽ đặt ra nhiều thách thức, trong đó các chính sách bảo hộ mới, rào cản thuế quan mức cao, các qui định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản, trong đó có Việt Nam.

Ảnh màn hình 2024-12-23 lúc 16.54.05
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng đề nghị tăng cường, phát huy hơn nữa, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình phối hợp công tác đã ký kết giữa 2 bộ.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường, phát huy hơn nữa, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình phối hợp công tác đã ký kết giữa 2 bộ. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát: (i) tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; (ii) chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các qui định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Thứ ba, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics. Triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển cơ giới hóa và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Trình ban hành Đề án Phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chính xác, khách quan phục vụ công tác tham mưu chính sách phát triển chế biến.

Thứ tư, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam. Khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng...

Thứ năm, tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu. Quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Châu Phi..., tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam...

Chủ động trao đổi, cập nhật tiến trình đàm phán kỹ thuật mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với từng ngành hàng tại từng thị trường, từ đó thống nhất phương án để Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan cùng đưa vào khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, các hộ nghị và diễn đàn; xây dựng phương án trao đổi, cân bằng thương mại chung với các nước, các đối tác thương mại.

Thứ sáu, tăng cường trao đổi, phối hợp, phát huy vai trò của hệ thống Cơ quan thương vụ Việt Nam và tham tán nông nghiệp tại các thị trường trong công tác thông tin, dự báo; thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiềm năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp.

Thứ bảy, chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.

Thứ tám, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp. Tăng cường phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cơ chế hỗ trợ phát triển cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO