Doanh nghiệp

Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế

Thy Hằng 21/12/2024 18:51

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 747 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh nghiệp FDI đạt 504,43 tỷ USD, tăng 13%.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2024 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2024) đạt 31,48 tỷ USD.

Từ nay đến cuối năm 2024, Việt Nam vẫn có cơ hội để gia tăng thêm phần tăng trưởng.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/12, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 747 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ 2023.

FDI chiếm ưu thế

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12 đạt 747,13 tỷ USD, tăng 14,7% tương ứng tăng 95,98 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 504,43 tỷ USD, tăng 13%.

Như vậy, tính đến hết 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD, tăng 13,9%, tương ứng tăng 46,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,38 tỷ USD, tương ứng tăng 26,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 8,54 tỷ USD, tương ứng tăng 20,8%; hàng dệt may tăng 3,29 tỷ USD, tương ứng tăng 10,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,63 tỷ USD, tương ứng tăng 20,6%; giày dép các loại tăng 2,35 tỷ USD, tương ứng tăng 12,21%... so với cùng kỳ năm 2023.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tính đến hết ngày 15/12/2024, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 275,09 tỷ USD, tăng 12%, tương ứng tăng 29,51 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Theo chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2024 đạt 16,12 tỷ USD, tăng 2,4% (tương ứng tăng 385 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2024.

Như vậy, tính đến hết 15/12, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 361,78 tỷ USD, tăng 15,7% (tương ứng tăng 49,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 18,05 tỷ USD, tương ứng tăng 21,4%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 6,67 tỷ USD, tương ứng tăng 16,8%; sắt thép các loại tăng 2,02 tỷ USD, tương ứng tăng 20,2%; kim loại thường khác tăng 1,76 tỷ USD, tương ứng tăng 24%; vải các loại tăng 1,75 tỷ USD, tương ứng tăng 14%... so với cùng kỳ năm 2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,77 tỷ USD, tăng 1,5% (tương ứng tăng 141 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 11/2024. Tính đến hết ngày 15/12/2024, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 229,34 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 28,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,4% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Từ kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 12 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 760 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,57 tỷ USD.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế nhận định, kết quả này có được là do ngay từ những ngày đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam đã có bước khởi sắc. Thay vì chậm trễ thì các doanh nghiệp đã tìm được những đơn hàng để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu ngày từ đầu năm.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã có những hoạt động đẩy mạnh đầu tư trong việc thay đổi công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu của các thị trường, từ đó, đẩy mạnh hoạt động ký kết các đơn hàng, trên cơ sở này đã góp phần đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

san-xuat-cong-nghiep.gif
Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD, trong đó tăng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng.

“Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt con số xấp xỉ 800 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Công Thương đã đặt ra. Và trong bức tranh xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, mặc dù tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ghi nhận mức tăng thêm chưa nhiều, từ con số 25-26% thì nay tăng lên khoảng 27-28%, nhưng đây cũng là điều đáng trân quý. Bởi lẽ, hoạt động xuất khẩu hàng công nghệ giá trị cao thông thường các doanh nghiệp có vốn FDI sẽ có năng lực xuất khẩu tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam, giá trị hàng công nghiệp chế biến chế tạo xuất khẩu cũng nhiều hơn.

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mức mà Bộ NN&PTNT đã đặt ra. Nhiều mặt hàng đã thâm nhập được vào các thị trường lớn và chính thức theo con đường chính ngạch, đáp ứng yêu cầu của việc ổn định xuất khẩu lâu dài của nền kinh tế.

Mục tiêu 6% năm 2025

Về vấn đề này, tại Báo cáo gửi Bộ KH&ĐT về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025, Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.

Sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng, đơn hàng xuất khẩu,… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan. Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu với lợi thế về thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng còn đối diện với một số khó khăn thách thức. Theo đó, năm 2025, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nếu những chính sách mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có hiệu lực, dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nước ta.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và khuyến nghị đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi, từ đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA. Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới, doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO