Khâu quản lý và việc xử lý vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại nhiều địa phương được nhận định vẫn đang gặp không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục…
Theo các chuyên gia, việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là điểm then chốt trong truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi đạt điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, liên tục những thông tin cảnh báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc được phát đi về tình trạng vi phạm kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ Việt Nam khiến nhiều người thực sự quan ngại.
Mới đây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) đã phải lên án mạnh mẽ hành vi gian lận thương mại xuất khẩu sầu riêng. Cụ thể, theo VINAFRUIT, hiện có tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế... để lừa đảo doanh nghiệp qua mặt các cơ quan chức năng của Nhà Nước nhằm trục lợi thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
VINAFRUIT cho biết, hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế, mà còn gây thiệt hại lớn cho quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính.
Có thể thấy, câu chuyện sầu riêng xuất khẩu trong suốt thời gian qua chưa bao giờ hết “nóng”. Vì sao việc quản lý mã số vùng trồng lại “gian nan” đến như vậy? Vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã thẳng thắn đánh giá, tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các địa phương hiện còn thấp so với yêu cầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự minh bạch và uy tín của nền nông nghiệp Việt Nam.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo, nếu những gian lận nêu trên diễn ra thường xuyên thì sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Đó là việc mất đi thị trường tiềm năng mà Đảng và Nhà nước ta cùng các bộ ban ngành đã dày công xây dựng, vun đắp mới có được. Bên cạnh đó là mất uy tín niềm tin với khách hàng trên toàn thế giới, rất khó mở rộng thêm thị trường mới. Đáng chú ý là việc ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp đã và đang làm ăn chân chính, họ có thể bị phá sản và phải đầu tư lại từ đầu với hệ thống cây trồng khác mà không có thị trường.
Đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, đó là có hệ thống quản lý kết hợp giữa nhân lực tại chỗ (xã, huyện, tỉnh) và công nghệ giám sát các vùng nguyên liệu đã được cấp mã số vùng trồng.
Vị chuyên gia lấy ví dụ cụ thể, nếu cả nước có 10 vùng được cấp mã vùng trồng với tổng diện tích 1000 ha sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu, thì cần có một phần mềm quản lý. Các chủ vùng nguyên liệu được cấp mã cần báo cáo kế hoạch cụ thể về quy trình sản xuất, thời điểm thu hoạch, sản lượng, sản phẩm được bán cho ai? ở đâu?... lên Cục Bảo vệ thực vật hoặc báo cho Chi cục Bảo vệ thực vật tại các tỉnh tập hợp gửi lên Cục. Có như vậy, cơ quan quản lý nhà nước mới nắm được thời điểm nào vùng nào sẽ thu hoạch sản phẩm và thông báo với các nước mà doanh nghiệp nào đó đã mua vùng nguyên liệu đó.
“Có nghĩa thông tin cần minh bạch từ vùng sản xuất được cấp mã tới doanh nghiệp sơ chế chế biến, tới doanh nghiệp xuất khẩu, tới nhà nhập khẩu (nước bạn). Việc các chủ hộ, hợp tác xã trang trại hợp tác cung cấp thông tin và báo cáo thường xuyên tới cơ quan quản lý nhà nước cũng chính là hình thức bảo vệ chính mình, bảo vệ cả ngành hàng của nước ta và hạn chế tối đa việc gian lận mã số vùng trồng”, vị chuyên gia giải thích.
Đồng quan điểm về giải pháp này, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh cần áp dụng công nghệ vào quản lý các vùng nguyên liệu đã được cấp mã vùng trồng, song song với đó là việc tăng cường tuyên truyền, giám sát từ vùng sản xuất, tới các nơi thu mua, sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, các địa phương cũng cần quy hoạch rõ vùng nguyên liệu và thông báo với các đối tác để họ nắm được thông tin.