“Gánh nặng” mã HS: Trách nhiệm của cơ quan Hải quan ở đâu?
Mặc dù gây ra hàng loạt khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp từ việc thiếu thống nhất trong áp mã HS, thế nhưng, câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan Hải quan ở đâu thì chưa bao giờ có lời giải…
Như đã thông tin, việc áp mã HS và xác định giá trị Hải quan bị các doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn nhiều nhất. Cụ thể, nếu năm 2018, có 66,3% số doanh nghiệp gặp trở ngại khi xác nhận mã HS thì năm 2020, con số này tăng lên 76%. Điển hình là tình trạng không thống nhất trong áp dụng mã HS giữa Hải quan và doanh nghiệp; việc tham vấn trước về mã HS với cơ quan Hải quan không dễ dàng; kết quả giám định mã HS của cơ quan Hải quan mất nhiều thời gian. Trong đó, 33,9% số doanh nghiệp phàn nàn về việc xác định giá trị Hải quan còn thiếu cơ sở, không thuyết phục.
Thực tế cũng cho thấy, chính từ sự thiếu đồng nhất trong áp mã HS đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị phạt oan,… không ít trường hợp doanh nghiệp đã bày tỏ muốn kiện phía Hải quan nhưng… không dám.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” bởi nếu là mã HS trước đây thì thuế 0% đã tính vào giá thành và đã bán. Nguy hiểm, nếu áp thuế 10% có thể doanh nghiệp bị hồi tố 5 năm trước, doanh nghiệp phải nộp bù hàng chục tỷ đồng.
Hàng loạt vụ việc đã xảy ra cũng chứng minh, hệ lụy từ sự thiếu thống nhất trong áp mã HS của cơ quan Hải quan là rất lớn, không ít doanh nghiệp đã phải thiệt hại nhiều tỷ đồng vì đang đúng bỗng thành sai, thậm chí có doanh nghiệp đã phải phá sản vì việc đột ngột bị thay đổi mã HS dẫn đến bị truy thu thuế, tiền phạt, chậm nộp,…
Trường hợp của Công ty CP thương mại Polvita (Công ty Polvita) có địa chỉ tại Lô B7, ngách 1, ngõ 187 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, từ năm 2010 cho tới 2019, doanh nghiệp đã mở tổng cộng 78 tờ khai nhập khẩu liên quan đến mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” qua nhiều Chi cục Hải quan khác nhau tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong đó, các Chi cục cũng đã kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Hải quan tổng cộng 12 lần cho những tờ khai có chứa mặt hàng này, tất cả đều không có ý kiến về việc kê khai mã HS 2106.90.
Hay như, trường hợp của Công ty TNHH MTV Nhật Thiên Kim, tại TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cũng cho thấy từ năm 2009 đến năm 2018, Công ty Nhật Thiên Kim đã nhập sản phẩm này với mã HS 8544.49.49, thế nhưng, đến khi thực hiện thanh tra, cơ quan quản lý lại cho rằng sản phẩm nhập khẩu của Công ty Nhật Thiên Kim phù hợp với phân loại vào mã số 8549.49.41.
Vậy, trách nhiệm của cơ quan Hải quan ở đâu? Vì đâu sau nhiều năm chấp thuận cho doanh nghiệp, cơ quan này lại đột ngột thay đổi?
Theo các chuyên gia, động thái truy thu thuế tới 5 năm chỉ được thực hiện đối với các trường hợp doanh nghiệp gian lận thuế, trốn thuế, trong khi cơ quan Hải quan đang thực hiện truy thu do chính sự nhầm lẫn về phân loại của chính cơ quan Hải quan. Ở đây cũng cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan trong quá trình thực hiện công việc dẫn đến việc phân loại sai mã sản phẩm trong một thời gian quá dài như vậy.
Vụ việc 8 doanh nghiệp ngành sữa gồm: Vinamilk, Hanoimilk, Nutifood… đã kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng và Bộ Tài chính liên quan đến việc cơ quan Hải quan sử dụng một thông báo có hiệu lực thi hành vào ngày 08/12/2014 để hồi tố truy thu các tờ khai nhập khẩu lịch sử từ năm 2010 với việc hồi tố truy thu, khoản tiền truy thu dự tính là 700 tỷ đồng cũng từng là một trong những vụ việc liên quan đến áp mã HS gây xôn xao dư luận.
Theo doanh nghiệp, sản phẩm Anhydrous MilkFat hay Anhydrous Butterfat là như nhau, và trước đây có mã số 0405.90.10., Anhydrous MilkFat là nguyên liệu dùng để sản xuất sữa của doanh nghiệp tại Việt Nam, hầu hết được nhập khẩu từ New Zealand.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014, Tổng cục Hải quan ra thông báo về kết quả phân loại đối với mặt hàng Anhydrous MilkFat thành sản phẩm mã số 0405.90.90 (loại khác).
Đáng nói là kể từ năm 2016, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Úc – New Zealand, mặt hàng này, với cách phân loại cũ, thuế nhập khẩu sẽ về 0 (căn cứ theo Thông tư số 168/2014/TT-BTC).
Thông tư số 168/2014/TT-BTC Ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định nói trên được ban hành vào ngày 14/11/2014, tức trước thời điểm Tổng cục Hải quan ban hành cách phân loại mới gần 1 tháng.
Theo đó, với cách phân loại mới, mặt hàng trên thay vì hưởng thuế suất 0% sẽ bị áp thuế nhập khẩu 5%, kéo theo đó số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp là rất lớn, chưa kể các chi phí phạt, chậm nộp,…
Từ những thực tế trên, một số ý kiến cho rằng, động thái thiếu thống nhất trong áp mã HS từ các cơ quan Hải quan sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh, tạo ra tâm lý bất ổn cho các doanh nghiệp, đặc biệt sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè khi dự định đầu tư vào Việt Nam, bởi bất cứ lúc nào họ cũng có thể đứng trước nguy cơ thiệt hại từ việc thay đổi mã HS đột ngột.
1 sản phẩm phân loại sai đến 5 – 10 năm, trách nhiệm của Hải quan ở đâu? Tại sao chỉ bắt mình doanh nghiệp “gánh” hệ lụy?
Có thể bạn quan tâm
Vì đâu doanh nghiệp muốn kiện… Hải quan?
04:20, 19/07/2021
“Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?
07:50, 16/07/2021
Thay đổi mã HS như… "lệnh cấm xuất khẩu"
14:55, 05/08/2020
Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép
12:20, 23/09/2020
Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 2): Cơ quan Hải quan “ngược dòng”?
11:10, 30/09/2020