“Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?

GIA NGUYỄN 16/07/2021 07:50

Mặc dù các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu đã được cải thiện, thế nhưng, vẫn còn đó không ít điểm nóng khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng, mã HS cũng là một trong số đó…

Theo thống kê, nếu năm 2018 tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục xác định mã HS giai đoạn trước khi khai Hải quan ở mức 66,3% thì kết quả điều tra mới nhất lên đến 76,2%.

Và tại hội thảo công bố báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020”, được tổ chức sáng 15/7 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan, câu chuyện bất cập trong xác định mã HS và trị giá hải quan thu hút không ít sự quan tâm của dư luận, trong đó, nhiều doanh nghiệp cho biết họ muốn kiện hải quan nhưng lại… không dám.

Sự thiếu thống nhất trong việc áp mã HS bấy lâu nay đã trở thành

Sự thiếu thống nhất trong việc áp mã HS bấy lâu nay đã trở thành "gánh nặng" cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Trình bày tóm tắt báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, cảm nhận chung của doanh nghiệp với các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu đã cải thiện nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm nóng khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng.

“Nhóm thủ tục xác định mã HS và trị giá hải quan là vấn đề lớn, vấn đề nóng hiện nay mà nhiều doanh nghiệp khác nhau rất quan tâm", ông Tuấn chia sẻ

Theo ông Tuấn, cứ 10 doanh nghiệp được hỏi thì có gần 5 doanh nghiệp gặp trở ngại ở khâu xác định trị giá hàng hoá, việc áp dụng mã HS nhiều khi không thống nhất giữa chính các cơ quan Hải quan với nhau. Nhiều lúc doanh nghiệp bị truy thu xử phạt do cách hiểu khác nhau giữa các công chức hải quan thực thi.

Thực tế, bất cập liên quan đến mã HS không phải câu chuyện mới và thường niên xảy ra với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tình trạng “nay đúng mai sai” đã tạo ra cho doanh nghiệp nhiều gánh nặng, chưa kể, dù nước ta đã hội nhập quốc tế với nhiều hiệp định được ký kết thế nhưng, việc áp mã HS vẫn “một đường một ngựa”.

Câu chuyện của ván ép thanh năm 2020 là một trong những ví dụ điển hình, khi chỉ từ một quyết định của cơ quan Hải quan, gần 150 doanh nghiệp và trên 200 hộ trồng rừng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, ván ghép thanh, chủ yếu sử dụng nguyên liệu gỗ keo rừng trồng và gỗ cao su, bị áp mã  HS 4407 (gỗ đã cưa và xẻ theo chiều dọc, lạng hoặc bóc, đã hoặc chưa bào, chà nhám hoặc ghép nối đầu, có độ dày trên 6 mm), thuộc phân nhóm HS 440729.97.90 và bị coi là sản phẩm sơ chế, như gỗ xẻ thanh, bị áp thuế xuất khẩu 25% để hạn chế, thậm chí ngăn chặn xuất khẩu vì không tạo nhiều giá trị gia tăng và vì phải dành nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước.  

Trong khi, cũng với mặt hàng đó, theo kết quả kiểm tra của Hải Quan (số 377/TB-KĐ 4 ngày 13/3/2019) thì lại được ghép mã khai báo khi làm thủ tục xuất khẩu ở mã HS 4418, với mức thuế xuất khẩu được áp cho mã HS này là 0% .

Câu chuyện bất cập trong áp mã HS của ván ghép thanh từng gây nhức nhối trong cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Câu chuyện bất cập trong áp mã HS của ván ghép thanh từng gây nhức nhối trong cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Trường hợp của Công ty CP thương mại Polvita (Công ty Polvita) có địa chỉ tại Lô B7, ngách 1, ngõ 187 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội cho đến nay vẫn khiến doanh nghiệp không phục với kết luận cuối cùng.

Khi từ năm 2010 cho tới 2019, doanh nghiệp đã mở tổng cộng 78 tờ khai nhập khẩu liên quan đến mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” qua nhiều Chi cục Hải quan khác nhau tại Hà Nội và Hải Phòng. Trong đó, các Chi cục cũng đã kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Hải quan tổng cộng 12 lần cho những tờ khai có chứa mặt hàng này, tất cả đều không có ý kiến về việc kê khai mã HS 2106.90.

Ngày 07/8/2019, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã ban hành quyết định ấn định thuế, quyết định xử phạt hành chính vì cho rằng sản phẩm “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” phải áp mã HS 1517.90.90 cho các tờ khai từ ngày 05/9/2014, dẫn đến nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp như: truy thu thuế nhập khẩu, VAT; tiền nộp chậm; xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền lên tới hơn 4,7 tỉ đồng, chưa kể sản phẩm của doanh nghiệp này còn bị đưa vào luồng đỏ Hải quan.  

Đáng nói, sau quyết định của cơ quan Hải quan, doanh nghiệp này cũng đã có nhiều công văn gửi đến hải quan các nước để tham vấn, thì kết quả thu về các nước đều áp mã HS 2106.90. cho sản phẩm, riêng cơ quan Hải quan Việt Nam “một đường một ngựa”.

Trao đổi với PV, ông Thái Hồng Sơn – Giám đốc Công ty Polvita vẫn khẳng định, doanh nghiệp tôn trọng quyết định của các cơ quan quản lý, thế nhưng, việc kê khai mã HS không phải doanh nghiệp cố tình làm sai, nên bắt doanh nghiệp phải gánh thiệt hại về kinh tế, về uy tín khiến doanh nghiệp không phục.

Tại hội thảo báo cáo vừa qua, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) một lần nữa nhấn mạnh, vấn đề xác định trị giá hàng hoá khi khai hải quan không thống nhất là câu chuyện tồn tại lâu rồi nhưng vẫn nóng.

“Điển hình là với mặt hàng thiết bị y tế, mã số HS mà các bộ xác định khác với Hải quan, dẫn đến mức thuế khác nhau và điều này làm khó cho doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề mà các Công ty logistics gặp rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp nói muốn kiện hải quan lắm nhưng không dám kiện”, bà Thảo dẫn chứng.

Qua đó, bà Thảo cũng kiến nghị, tới đây Hải quan nên nghiên cứu, đưa ra hệ thống, cơ chế xác định trị giá hàng hoá để doanh nghiệp khi được áp dụng thì không cảm thấy bức xúc.

Còn theo ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam, bảng mã HS quá dài, hôm nay Hải quan quy về mã này nhưng hôm sau quy mã khác. “Hai tuần trước thôi, khi họp ở Tổng cục Hải quan, chúng tôi phản ánh, được lãnh đạo gọi điện thì mới giải quyết”, ông Trung kể.

Hệ lụy với nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, tồn tại trong thời gian không phải ngắn, vậy đến bao giờ “gánh nặng” mã HS mới được trút bỏ? Đây là câu hỏi cộng đồng doanh nghiệp luôn mong ngóng các cơ quan quản lý sẽ sớm có câu trả lời.

Có thể bạn quan tâm

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép

    12:20, 23/09/2020

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 2): Cơ quan Hải quan “ngược dòng”?

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 2): Cơ quan Hải quan “ngược dòng”?

    11:10, 30/09/2020

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 3): Khách quan, minh bạch ở đâu?

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 3): Khách quan, minh bạch ở đâu?

    04:20, 04/10/2020

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 4): Khuyến cáo một đằng, làm một nẻo?

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 4): Khuyến cáo một đằng, làm một nẻo?

    04:30, 11/10/2020

  • Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 5): Chờ phán quyết của Tổ chức Hải quan thế giới?

    Một sản phẩm, hai mã áp, doanh nghiệp thiệt hại kép (Kỳ 5): Chờ phán quyết của Tổ chức Hải quan thế giới?

    11:01, 31/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Gánh nặng” mã HS bao giờ được… trút bỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO