Xung quanh câu chuyện áp mã HS đối với mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung, thế nhưng, liệu có khách quan?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, sau loạt bài phản ánh về những bất cập, hệ lụy Công ty CP thương mại Polvita (Công ty Polvita) - địa chỉ tại Lô B7, ngách 1, ngõ 187 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội gặp phải trong việc thay đổi mã HS đối với mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, cơ quan Hải quan đã có những phúc đáp về quy trình giải quyết khi tổ chức cuộc họp thống nhất với doanh nghiệp sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến từ Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã có một buổi làm việc với Công ty Polvita để cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong việc “đột ngột” thay đổi mã HS được áp cho mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”.
Tại nội dung văn bản phúc đáp số 6818/TCHQ-VP ngày 22/10/2020 của Tổng cục Hải quan về việc phúc đáp đề nghị của Báo, đơn vị này cho biết: “Ngày 08/10/2020, Tổng cục Hải quan đã có buổi làm việc trực tiếp với Công ty CP Thương mại Polvita để trao đổi về phương án xử lý vướng mắc của doanh nghiệp, theo đó 02 bên đã thống nhất hỏi lại ý kiến phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới đối với mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” do ý kiến của Tổ chức Hải quan thế giới trả lời Tổng cục Hải quan và trả lời doanh nghiệp có sự khác biệt. Hai bên sẽ thực hiện theo phán quyết cuối cùng của Tổ chức Hải quan thế giới”.
Dư luận hoan nghênh động thái của Tổng cục Hải quan trong giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đã gặp phải, tuy nhiên, động thái này liệu có đem đến một cái kết khách quan, minh bạch? Khi những khuyến cáo của Tổ chức Hải quan thế giới đang cho thấy sự bất nhất khi chưa lột tả được bản chất thực của sản phẩm.
Quay trở lại vụ việc, cùng là một mặt hàng “Thực phẩm bổ sung Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9”, Công ty Polvita cũng đã có những tìm hiểu thông tin gửi đến Hải quan các nước trong khối ASEAN như: Singapore (email trả lời ngày 22/4/2020); Brunei (email trả lời ngày 16/4/2020); Cam-pu-chia (email trả lời ngày 21/4/2020); Lào (email trả lời ngày 29/4/2020); Phi-lip-pin (Công văn số 20-0733 ngày 28/4/2020);… đều cho hay, mã HS đang được áp đối với sản phẩm “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” là 2106.90.
Đồng thời, theo chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Phòng Thương mại và Công nghiệp của bang California, Mỹ, mặt hàng “Alaska Deep Sea Fish Oil Omega-3,6,9” cũng được phân loại mã HS 2106.90.9898 tại Mỹ.
Trong khi, vẫn liên quan đến sản phẩm này, bản thân Tổ chức Hải quan thế giới lại có những bất nhất trong trả lời doanh nghiệp (áp mã HS cho sản phẩm là CO2106.90/37) và cơ quan Hải quan Việt Nam (áp mã HS cho sản phẩm trên là 1517.90.90). Vậy, những khuyến cáo của đơn vị này có dựa trên cơ chế sinh hóa thực của sản phẩm? Hay chỉ khuyến cáo từ diễn giải của các bên?
Trao đổi với PV, ông Thái Hồng Sơn – Giám đốc Công ty Polvita chia sẻ, ông đồng tình với quan điểm giải quyết của Tổng cục Hải quan khi tiếp tục gửi kiến nghị đến Tổ chức Hải quan thế giới để xin phán quyết, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng băn khoăn bởi sự bất nhất trong khuyến nghị của Tổ chức này, doanh nghiệp mong muốn, có một bên thứ 3 kiểm định sinh hóa thực của sản phẩm, mới có thể đem đến một kết quả thuyết phục cho các bên.
Điều 3 Thông tư số 14/2015/TT-BTC, ngày 30/01/2015 về việc hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa;... đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định:
1. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định tính chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa.
2. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện thực hiện phân tích hàng hóa thì sử dụng dịch vụ giám định của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật về dịch vụ giám định thương mại để làm cơ sở thực hiện...
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!