“Căn bệnh” lãng phí: Hà Nội và hành trình 10 năm “thay áo” cho vỉa hè
10 năm, 4 lần đại tu vỉa hè, đổ vào đó hàng nghìn tỷ, thế nhưng, thay vì đẹp và bền như dự kiến, vỉa hè tại Thủ đô vẫn mong manh, dễ rạn vỡ dù vật liệu đang dùng được cho có tuổi thọ đến 70 năm…
Những năm trở lại đây, câu chuyện lát đá vỉa hè luôn là chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm, nhất là khi hàng loạt tuyến đường rầm rộ triển khai các dự án chỉnh trang đô thị bằng việc lát đá vỉa hè có độ bền lên tới 70 năm như phố Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng… thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, nhiều đoạn vỉa hè này đã xuống cấp nghiêm trọng, đá lát vỉa hè bắt đầu nứt vỡ, bong tróc tạo nên cảnh nhếch nhác, thiếu mỹ quan đô thị, trong khi mức phí đầu tư cho các dự án này không hề “rẻ”.
Theo đó, chủ trương lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên được đưa ra từ cuối năm 2016, khi đó, lãnh đạo TP. Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố với mục tiêu được đề ra: đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững, với tuổi thọ lên đến 70 năm. Tuy nhiên, những vỉa hè đá tự nhiên này mới ở tuổi lên 2 đã bắt đầu nứt vỡ…
Năm 2019, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội”, hơn 100 tuyến đường tại các quận như: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông sẽ được lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Theo thông tin giới thiệu, đá tự nhiên sẽ có tuổi đời từ 50 – 70 năm, không chỉ đảm bảo độ bền mà còn góp phần chỉnh trang đô thị.
Thế nhưng, quá trình hậu kiểm các dự án, Báo cáo số 6829/SXD-GĐXD của Sở Xây dựng gửi UBND TP. Hà Nội, cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm trong các dự án lát đá vỉa hè tại quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình… như: có dự án, hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, chưa chỉ định rõ mạch lát, thiếu thiết kế chi tiết tại các vị trí góc bó vỉa (quận Ba Đình, Hai Bà Trưng...). Một số dự án không cung cấp được giấy chứng nhận hợp quy và bản thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành đối với vật liệu đá tự nhiên theo quy định, tần suất lấy mẫu và kết quả thí nghiệm tại một số tuyến phố chưa đảm bảo.
“Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số tuyến phố là chưa đạt yêu cầu về chiều dày đá lát; tiêu chuẩn kỹ thuật về độ bền uốn, độ hút nước, độ cứng vạch bề mặt. Đặc biệt, có hiện tượng đường dẫn hướng cho người khuyết tật đi thẳng vào vị trí cột điện chiếu sáng, tủ điện như tại phố Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng); viên đá bó vỉa bị vỡ, sứt mẻ chưa được thay thế; đá vừa chuyển về đến chân công trình đã bị vỡ hoặc sứt mẻ…”, báo cáo nêu.
Đến cuối tháng 11/2020, Chi cục Giám định xây dựng cũng đã có văn bản đề nghị UBND quận, huyện, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý theo phân cấp trên địa bàn, phát huy vai trò của UBND cấp xã, tổ dân phố trong việc giám sát cộng đồng và bảo đảm chất lượng sử dụng sau lát hè; thi công dứt điểm cho từng tuyến phố bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị; nghiêm cấm việc sử dụng mặt vỉa hè trái công năng (như làm đỗ xe) gây hư hỏng, xuống cấp mặt vỉa hè.
Được biết, dự kiến kinh phí triển khai cho các dự án lát đá vỉa hè là không hề nhỏ, một số dự án hạ tầng kỹ thuật mới tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông đã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên với chi phí khoảng 500.000 đồng/m2.
Hay trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có 9 dự án (tuyến phố) bảo trì, chỉnh trang hè phố trong năm 2017, với các mức đầu tư như: dự án tuyến phố Nguyễn Du (diện tích khoảng 6.624m2) là hơn 11 tỷ đồng; tuyến phố Bà Triệu (diện tích 7.982m2) là gần 15 tỷ đồng; tuyến Đại Cồ Việt (diện tích 9.947m2) là 14 tỷ 900 triệu đồng… Tính toán trung bình, mỗi mét vuông quận Hai Bà Trưng phải chi khoảng 1,5 triệu đồng/m2 vỉa hè.
Tương tự tại quận Hoàng Mai, tuyến đường 2,5 (đoạn cầu Đền Lừ đến ngã ba hồ Đền Lừ) và đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3), kinh phí lát đá vỉa hè dao động từ hơn 475.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/m2 (tuỳ đoạn vỉa hè rộng hẹp).
Một thống kê không chính thức cho thấy, trong giai đoạn từ 2013 đến 2017, TP. Hà Nội đã chi số tiền dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng cho việc “thay áo” các vỉa hè, và từ 2019 đến nay dù chưa có một con số cụ thể, thế nhưng với hơn 100 tuyến phố tại các quận nội đô thì con số này được cho cũng không hề nhỏ.
Đánh giá về thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, việc lát đá vỉa hè thời gian qua tại Hà Nội gây lãng phí và không có chất lượng, nếu có quyết tâm chỉnh trang vỉa hè thì lát cho ra lát chứ đừng có “ăn đấu làm khoán” tốn tiền của dân, lãng phí ngân sách.
Thông tin với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải thẳng thắn đặt câu hỏi, không hiểu Hà Nội có đang bị áp lực giải ngân không mà sau rất nhiều bất cập, nhiều chuyên gia lên tiếng nhưng vẫn đang thi công lát đá tự nhiên đồng loạt. “Hà Nội cần dừng ngay dự án lát đá tự nhiên để bớt lãng phí và giảm úng ngập”, bà Thủy nói.
Không chỉ lãng phí số tiền lớn đã bỏ ra mà thu lại những kết quả không như kỳ vọng, nhiều chuyên gia còn quan ngại sự lãng phí của cuộc chỉnh trang này còn đến từ “điệp khúc” khó thay đổi đó là hiện trạng thiếu đồng bộ, khi không ít tuyến phố vừa chỉnh trang xong lại đào lên để sửa sang đường nước, cáp điện, viễn thông,…
Có thể bạn quan tâm
Sai phạm tại dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Biết sai, chờ hoài... chưa sửa!
12:30, 24/12/2020
Sai phạm tại dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Trách nhiệm có bị bỏ quên?
11:00, 05/12/2020
“Căn bệnh” lãng phí: Khi nhiều bộ ngành còn “trì trệ” di dời trụ sở
04:20, 03/08/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Gánh nặng từ các dự án “treo”, chậm triển khai
04:30, 02/08/2021
“Căn bệnh” lãng phí: Nhiều chục nghìn tỷ “chôn vùi” trong các dự án BT
04:00, 30/07/2021
Tham nhũng và lãng phí: “Lô cốt” cần công phá mạnh mẽ!
05:00, 29/07/2021
Có thể bạn quan tâm
Sai phạm tại dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Biết sai, chờ hoài... chưa sửa!
12:30, 24/12/2020
Sai phạm tại dự án lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Trách nhiệm có bị bỏ quên?
11:00, 05/12/2020
Lát đá vỉa hè Hà Nội: Yếu tố con người vẫn quan trọng nhất
05:15, 11/04/2019
Lát đá vỉa hè hồ Gươm: Có thực sự cần thiết?
05:30, 12/03/2018
Chuyện lát đá vỉa hè Hà Nội: Sẽ hết kiểu “làm thì láo, báo cáo thì hay”?
05:36, 10/01/2018