Ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch: Dữ liệu thiếu đồng bộ
Mặc dù được cho là nhiệm vụ bức thiết, thế nhưng, từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19 được cho là thiếu đồng bộ về dữ liệu…
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, các đoàn thể; sự dấn thân và hy sinh của rất nhiều cá nhân trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Thế nhưng, một số vấn đề mà dư luận khá dễ dàng nhận thấy trong hơn 3 tháng qua, đó là sự lúng túng, sự thiếu nhất quán, thậm chí đó là sự vụng về trong một số trường hợp quyết sách và thực thi,… đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch được cho là thiếu đồng bộ về dữ liệu.
Lúng túng, thiếu nhất quán trong thực hiện
Từ việc phân luồng xanh vận tải, cấp giấy đi đường, giấy đi chợ, khai báo y tế,… cho tới việc xây dựng phương án làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” tại các cơ sở sản xuất cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
Hà Nội, chỉ trong chưa đầy 2 tháng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đã có đến 4 lần điều chỉnh quy định về cấp và sử dụng giấy đi đường, từ việc để địa phương phát hành thẻ ra ngoài, thẻ đi chợ cho người dân, các cơ quan, đơn vị tự in mẫu giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên, sau đó là yêu cầu kèm thêm lịch trực, lịch làm việc, cho tới ứng dụng công nghệ quản lý theo mã QR code, để rồi cuối cùng tiếp tục sử dụng giấy đi đường cũ đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư, xem xét hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Đáng nói, theo hướng dẫn của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu muốn làm giấy đi đường mẫu mới của Hà Nội phải trải qua 4 bước: gửi 3 file bản mềm thông tin về nhân viên, phương tiện hàng hóa…; sau đó, Sở Công Thương Hà Nội tiếp nhận, xử lý hồ sơ; nếu đủ điều kiện sẽ tổng hợp và gửi Công an thành phố xem xét, cấp xác nhận, nếu không hợp lệ thì sẽ nêu rõ lý do và niêm yết trên mục phòng chống COVID-19 tại website của Sở này. Bước cuối cùng, Sở sẽ gửi kết quả cho doanh nghiệp qua email sau khi nhận được kết quả xử lý hồ sơ từ Công an thành phố.
Với những bước kể trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đã đặt ra là quá phiền hà, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong khi doanh nghiệp nào hoạt động cũng có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thực hiện khai báo thuế, đóng bảo hiểm cho người lao động rất chi tiết, hoàn toàn có thể tích hợp sử dụng để rà soát, quản lý.
Hay như tình trạng phân luồng xanh trong hoạt động vận tải, nhiều địa phương vẫn có những cách làm không giống nhau, thiếu thống nhất trong các quy định như yêu cầu về xét nghiệm COVID-19, công nhận thời gian kết quả xét nghiệm đã thực hiện.
Tại Quảng Ninh, đối với xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái thực hiện giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần. Công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu; Công văn số 4227/UBND-VP ngày 06/9/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái; Và Công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 03/8/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.
“Loạn” ứng dụng công nghệ phòng chống dịch
Đặc biệt, trường hợp khai báo y tế trên các ứng dụng khai báo y tế, sổ sức khỏe được kỳ vọng sẽ là giấy thông hành cho người dân, doanh nghiệp khi trở lại trạng thái “bình thường mới” cũng xuất hiện nhiều vướng mắc khi đang cho thấy sự thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp, thiếu tính tích hợp dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ về dữ liệu.
Thực tế, theo các chuyên gia, quản lý phòng chống COVID-19 bằng nền tảng công nghệ thông qua các ứng dụng là điều tất yếu phải làm, tuy nhiên, yếu tố cốt lõi nhất của loại ứng dụng này là vấn đề đầu vào của dữ liệu phải bảo đảm chính xác và đồng nhất. Điều này đã bị xem nhẹ khi thiết kế dẫn đến tình trạng phải nhập liệu những thông tin vốn đã có sẵn và chính xác như thẻ Bảo hiểm y tế, thuế thì lại bị bỏ qua dẫn đến vừa phiền phức, vừa dễ bị sai sót.
Điển hình của việc nhập thông tin thủ công là Cổng thông tin quản lý tiêm chủng COVID-19 với ứng dụng tích hợp là Sổ sức khỏe điện tử, theo quy trình hiện tại, người dân đi tiêm phòng COVID-19 phải điền thông tin viết tay vào phiếu khám sàng lọc, sau khi tiêm xong, nhân viên đội tiêm chủng phải nhập liệu từ phiếu vào hệ thống vừa mất thời gian, vừa dễ sai sót trong quá trình nhập liệu. Cho đến thời điểm hiện tại, dù đã gần hết tháng 9, nhưng những thông tin liên quan đến dữ liệu trên ứng dụng này vẫn được cho là thiếu chính xác khi nhiều người đã tiêm đủ vắc xin nhưng vẫn chưa được cập nhật,...
Trong khi Sổ sức khỏe điện tử tích hợp với Cổng thông tin quản lý tiêm chủng COVID-19 của Bộ Y tế vẫn còn dày đặc hạn chế, thì mới đây lại thêm một ứng dụng khác là VNEID tích hợp với hệ thống Khai báo di chuyển nội địa của Bộ Công an được công bố với những tính năng tương tự nhưng hầu như chưa có dữ liệu.
Đáng nói, dù được giới thiệu là ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (tức thông tin về CCCD/CMND) để bảo đảm tính chính xác của thông tin công dân nhưng kết quả thực tế của ứng dụng không đạt được như kỳ vọng, ngoài việc chưa tích hợp những thông tin liên quan đến tiêm chủng, thì ứng dụng này cũng bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc thông tin khai hộ cho trẻ em dưới 14 tuổi vẫn yêu cầu phải cung cấp thông tin CCCD/CMND, khi nhập dãy số bất kỳ đều được ghi nhận.
Chưa kể, hiện tại vẫn còn hàng loạt ứng dụng trùng lắp tính năng hay không còn cần dùng như Bluezone, Ncovi, COVID-19 và một số app địa phương khác…
Cần một chiến lược thống nhất và đồng bộ
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Thủ tướng Chính phủ đã “vào cuộc” và yêu cầu thống nhất “một ứng dụng”, giao Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò “nhạc trưởng”. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đã chính thức được thành lập và đã đi vào hoạt động, vai trò của cơ quan này là hết sức quan trọng đối với tiến trình mở cửa sắp tới của các địa phương.
“Bởi đơn giản là đời sống kinh tế không giới hạn trong địa giới hành chính một tỉnh, TP. Hồ Chí Minh nếu thực hiện “thẻ xanh vaccine” chỉ trong nội thị, mà người có thẻ xanh không thể di chuyển liên tỉnh thì cũng không hiệu quả mấy. Chuỗi cung ứng không gói gọn trong TP. Hồ Chí Minh, vì thế, liên thông dữ liệu, một ứng dụng duy nhất cho người dân để người dân đủ điều kiện di chuyển an toàn thông suốt các tỉnh là yêu cầu bắt buộc. Nhưng thẩm quyền hành chính và cái uy của “trung tâm… quốc gia” này có đủ để thực thi vai trò nhạc trưởng? Nhân lực và công nghệ của nội bộ trung tâm…quốc gia có đủ để triển khai bài toán kỹ thuật đó?”, ông Đồng chia sẻ.
Cũng theo ông Đồng, tính quan trọng của vấn đề đòi hỏi trong giai đoạn… lâm thời, Thủ tướng Chính phủ cần trực tiếp đứng ra lãnh đạo trực tiếp mảng công nghệ, cũng như trao “thượng phương bảo kiếm” để “dẹp loạn” cát cứ và phân mảnh dữ liệu. Đồng thời, Bộ Tài Chính cũng cần vào cuộc phối hợp, để giải quyết bài toán “hợp đồng” – thuê các doanh nghiệp có năng lực để xây dựng giải pháp và xử lý bài toán dữ liệu.
Nhìn về dài hạn, xử lý được vấn đề dữ liệu còn tạo tiền đề to lớn hơn cho quản trị quốc gia, nếu coi dữ liệu là “trái tim” của chính phủ số, Việt Nam cần một “ngôi nhà chung” về dữ liệu. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia có thể hoạt động lâm thời để chống dịch, nhưng về dài hạn cần trở thành “cơ quan quốc gia” về dữ liệu số.
“Làm được như vậy, những bài học, những mất mát cả về sinh mạng và kinh tế lớn lao mà đất nước gánh chịu trong thời gian qua, mới được bù đắp”, ông Đồng nhấn mạnh.
Còn theo PGS. TS Trương Quang Thông – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, với những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua với mô hình chính phủ điện tử, có thể nói, các cơ quan công quyền của chúng ta đã thu thập được một khối lượng dữ liệu to lớn như: Mã số định danh cá nhân, mã số bảo hiểm sức khỏe cá nhân, mã số thuế cá nhân, và rất nhiều kiểu mã số dữ liệu khác, kể cả dữ liệu từ các tổ chức mang tính cách tư (chẳng hạn từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm) nếu như chúng ta biết cách khai thác chúng thì đó là một nguồn tài nguyên thông tin vô cùng quý giá để chúng ta sử dụng, khai thác phục vụ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 này.
“Chưa kể các tỉnh, thành Việt Nam đã tốn rất nhiều ngân sách để thiết kế, triển khai các mô hình chính quyền điện tử, vốn thường được ca ngợi như những đột phá trong cải cách hành chính. Thế nhưng, việc tích hợp tất cả những dữ liệu từ “chính quyền điện tử”, thông qua các giao diện kỹ thuật số (dashboard) ở quy mô tỉnh, thành, hay là cao hơn, đáng kỳ vọng hơn, ở cấp quốc gia, vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa”, ông Thông chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Loạn quản lý “luồng xanh” - Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp
04:30, 28/08/2021
Xe “luồng xanh” có còn bị "hành" ở mỗi địa phuơng?
10:54, 26/08/2021
Bất cập giấy đi đường tại Hà Nội: Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh
14:19, 08/09/2021
Đà Nẵng: Hộ kinh doanh gặp khó vì chưa có giấy đi đường gắn mã QR code
11:24, 08/09/2021
Hà Nội thay đổi giấy đi đường lần thứ 4: Không hợp lý, khó chồng khó
18:20, 04/09/2021
Doanh nghiệp gặp khó khi giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái
00:06, 18/09/2021