Mặc dù đã có chỉ đạo từ Chính phủ, hướng dẫn của bộ, ngành liên quan, thế nhưng, thời gian qua, tình trạng một số tỉnh thành đã đưa ra những quy định riêng như: yêu cầu người điều khiển phương tiện muốn vào địa bàn phải tiêm đủ 2 mũi Vaccine, xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 48h, không cho xe qua lại khi tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16… làm phát sinh “giấy phép con” khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó trong quá trình vận tải lưu thông hàng hóa.

Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.

Nội dung văn bản nêu rõ, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, trên cơ sở thống nhất của các Bộ: Giao thông vận tải; Công Thương, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có ý kiến như sau:

Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.

Cùng với đó, trong Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có chỉ đạo, bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu…

Mặc dù các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ đều nêu rất rõ những nội dung cần phải thực hiện, thế nhưng, thời gian gần đây, hàng loạt địa phương đã tự ý đề ra những quy định thiếu thống nhất, làm phát sinh “giấy phép con” khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó trong vận tải, lưu thông hàng hóa.

Chẳng hạn như tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Thông báo số 175/TB-BCĐ ngày 20/8 quy định khi đi vào địa bàn phải có giấy xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong thời gian tối đa 48 tiếng hoặc có giấy xác nhận tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng COVID-19. Việc áp dụng thông báo này từ 0h ngày 21/8 đã khiến các phương tiện vận tải lưu thông hàng hoá đã được cấp mã vạch nhận diện QR (luồng xanh) “tiến thoái lưỡng nan” khi đi qua địa bàn tỉnh những ngày sau đó.

Hay, UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 20/8 cũng ban hành Văn bản số 5630/UBND-DL1 về việc tăng cường giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định, người, phương tiện vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin. Đồng thời, phải trực tiếp có mặt và làm thủ tục khai báo y tế tại chốt (trừ bệnh nhân, người già đi lại khó khăn, trẻ em dưới 5 tuổi); sử dụng ứng dụng bluezone.

Còn TP. Hải Phòng cũng có yêu cầu, phải có RT-PCR âm tính và tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người vào thành phố công tác, xe có mã vạch nhận diện QR kiểm soát theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải cũng áp dụng tương tự. Ngoài ra, địa phương này còn yêu cầu phải có văn bản đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.

Điển hình tại Cần Thơ, ngày 21/8, UBND Thành phố này ra văn bản yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh... từ các tỉnh, thành khác đến Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn. Đồng thời, tất cả các phương tiện phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những tỉnh đã nêu, một số tỉnh như: Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu… cũng đang thực hiện áp dụng các quy định riêng do địa phương tự đề ra gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp khi muốn lưu thông hàng hoá qua lại trên địa bàn.

Để tạo điều kiện, giải quyết những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc…

Theo đó, ngày 24/8, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định 1570/QĐ-BGTVT về hướng dẫn tạm thời tổ chức giao thông, kiểm soát dịch với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Hướng dẫn gồm quy trình áp dụng cho doanh nghiệp, điều kiện xe được phép hoạt động, tài xế, các chốt kiểm soát dịch bệnh, điểm giao nhận, việc cách ly tài xế sau khi kết thúc chuyến hàng về địa phương, gia đình... Mục tiêu đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi nhưng vẫn đạt điều kiện về phòng chống dịch.

Cụ thể, hướng dẫn trên đưa ra các khuyến cáo về vị trí đặt chốt kiểm soát dịch bệnh, phân luồng xe, kiểm tra thẻ nhận diện luồng xanh và giấy tờ áp dụng với tài xế, người đi cùng, việc xử lý với tài xế vi phạm, thiếu giấy tờ (hoặc giấy tờ hết hiệu lực).

Với tài xế, hướng dẫn cũng khuyến cáo hạn chế rời buồng lái trong quá trình giao nhận hàng hóa, chở người, trong quá trình lưu thông trên đường. Cùng đó là các quy trình khi tài xế kết thúc chuyến hàng về nơi lưu trú, gia đình, hoặc không tiếp tục tham gia hoạt động vận tải trong thời gian dịch bệnh bùng phát...

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính thống nhất, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo lực lượng liên quan áp dụng thống nhất theo hướng dẫn này. Địa phương chỉ điều chỉnh, bổ sung khác hướng dẫn này trong trường hợp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và phải thông báo về Tổng cục Đường bộ trước khi thực hiện.

Thực tế, từ khi TP. Cần Thơ áp dụng các quy định do địa phương này tự đề ra, nhiều doanh nghiệp vận tải không khỏi lo lắng khi hàng hóa bị “kẹt” lại tại địa phương này, bởi không chỉ phải gánh thêm các chi phí phát sinh trước khi được lưu thông, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị hủy hợp đồng, thiệt hại về kinh tế do đắt gãy chuỗi cung ứng.

Thông tin với báo chí, một số doanh nghiệp vận tải tại khu tập kết hàng ở khu vực Bến xe khách Trung tâm TP. Cần Thơ cho rằng, quy định đăng ký trước rồi vào điểm tập kết để sang hàng hay đổi tài không hợp lý, bởi trước đó, để đảm bảo quy định các doanh nghiệp đã phải chạy vạy làm các giấy như giấy âm tính, giấy đi đường, giấy cam kết hành trình… Nhưng với quy định của TP. Cần Thơ, những giấy này chỉ đến được điểm tập kết tại cửa ngõ vào thành phố, muốn vào phải tốn thêm chi phí đổi tài xế, thuê phương tiện sang hàng thì doanh nghiệp khó khăn hơn rất nhiều.

Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và 63 Sở Giao thông vận tải trên cả nước về lưu thông hàng hóa.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương không yêu cầu thêm giấy tờ, thủ tục ngoài hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Y tế, bỏ yêu cầu giấy đi đường với lái xe lưu thông qua nhiều tỉnh thành. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, việc địa phương thêm thủ tục là thêm chi phí, khiến chính sách hỗ trợ của Chính phủ không còn ý nghĩa, trong khi hàng hóa ứ đọng, sản xuất khó khăn.

Ngày 26/8, thực trạng vận tải lưu thông hàng hóa tại TP. Cần Thơ đã có biến chuyển, xe được lưu thông, tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh này cũng có văn bản cho rằng đã làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện giải pháp này (các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành khác vào Cần Thơ để giao nhận đều phải đăng ký trước với cơ quan chức năng) trong việc vận chuyển hàng hóa… và khẳng định đây không phải là thủ tục xin phép “giấy phép con”(?).

Trước đó, ngày 25/8, các hiệp hội, hội như: Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cũng đồng kiến nghị gửi Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hồ Chí Minh cấp giấy đi đường cho hội viên để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội.

Cụ thể, các hiệp hội, hội thống nhất và xin đề xuất các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và tăng cường số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Thắt chặt quản lý bằng những quy định là việc làm cần thiết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thế nhưng, cần phải tuân thủ sự thống nhất, tránh tình trạng cố tình “gây khó” cho doanh nghiệp, rất dễ nảy sinh tiêu cực.

Thực tế, ngày 27/8, Công an thành phố Hà Nội cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Hoàng Thị Thanh Nga (45 tuổi), trú tại Hà Nội - chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo Cơ quan Công an, bà Nga được Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp thẻ luồng xanh và được giao 1 tài khoản để sử dụng cấp thẻ.

Trong quá trình thực hiện, bà Nga đã sử dụng trái phép nhiều tài khoản và móc nối với một số nghi phạm để thu gom các trường hợp, cá nhân, tổ chức muốn xin cấp thẻ “luồng xanh”, sau đó duyệt, cấp trái phép hồ sơ để thu tiền.

Bước đầu, Cơ quan Công an xác định, bà Nga đã duyệt cấp hơn 1.700 hồ sơ ôtô, nhận tổng số tiền trên 220 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản, các đối tượng môi giới thu tiền của chủ phương tiện từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/xe.

Đây có thể coi là bài học nhãn tiền đối với các cơ quan quản lý, nếu không có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ.