Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn

GIA NGUYỄN 02/10/2021 04:20

Theo các chuyên gia, để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ (bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ)…

Với mục tiêu hướng tới tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch COVID-19 được kiểm soát đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất dự thảo Chương trình 8 nhóm giải pháp để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn để phục hồi kinh tế - Ảnh minh họa

Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn để phục hồi kinh tế - Ảnh minh họa

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương chia sẻ, trong dự thảo Chương trình 8 nhóm giải pháp, đầu tiên, là kiểm soát dịch bệnh COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, bởi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19 là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế.

“Trong khi đó, nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất; tiết kiệm chi thường xuyên.

Nhóm giải pháp thứ ba, là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nhóm giải pháp thứ tư, là phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Nhóm giải pháp thứ năm, là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng (tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất với một số đối tượng cụ thể); tài chính (miễn, giảm thuế, phí); sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nhóm giải pháp thứ 6, là phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, bao gồm cả đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng…

Nhóm giải pháp thứ 7, là phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

nhóm giải pháp thứ 8, là phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Dự thảo Chương trình 8 nhóm giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cho là phù hợp để hồi phục kinh tế hiện nay - Ảnh minh họa

Dự thảo Chương trình 8 nhóm giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cho là phù hợp để hồi phục kinh tế hiện nay - Ảnh minh họa

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dự kiến kinh phí sẽ được bảo đảm từ các nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác, trong đó có các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ công đoàn…

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về tài chính, tín dụng, đào tạo lao động, đầu tư phát triển,... được huy động từ các nguồn của doanh nghiệp, vốn hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ ngoại hối, hợp tác công - tư và các nguồn hợp pháp khác.

Theo kế hoạch, dự thảo Chương trình này sẽ sớm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ. Thời gian thực hiện Chương trình dự kiến đến năm 2023, với mục tiêu là tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như ADB, WB, IMF, UNTACD đã đưa ra nhiều khuyến nghị giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khu vực ASEAN, cũng như Việt Nam. Và một trong những khuyến nghị quan trọng, đó là chính sách cần được thực hiện hợp lý theo từng giai đoạn của diễn biến dịch bệnh, năng lực nội tại, khả năng thực thi và giám sát của khu vực Nhà nước, các đặc điểm của nền kinh tế, dư địa chính sách hiện có.

Thêm vào đó, sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính; cân bằng rủi ro giữa việc gia tăng nợ công, nợ của khu vực tư nhân với quy mô và thời hạn các chính sách hỗ trợ tài chính…

để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ - Ảnh minh họa

Để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ - Ảnh minh họa

Liên quan đến hồi phục kinh tế các chuyên gia, cũng không ít lần nhấn mạnh, để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ (bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ).

Tuy nhiên, sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách; và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.

Chia sẻ về dự thảo 8 nhóm giải pháp để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho hay, với Việt Nam, kinh nghiệm được rút ra là chúng ta cần có một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn, phù hợp với năng lực nội tại và các đặc điểm của nền kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời bảo đảm ổn định ngân sách, tài chính quốc gia.

Theo Thứ trưởng, kinh nghiệm của các nước đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam khi thực hiện phục hồi kinh tế, đó là trước hết phải xác định nhu cầu nguồn lực hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tránh nguy cơ lỡ nhịp, phục hồi chậm hơn các quốc gia khác, làm giảm năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại của nền kinh tế và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh trong trung và dài hạn.

“Chúng ta phải xác định khả năng huy động nguồn lực, nhất là ngân sách Nhà nước, bảo đảm các chỉ tiêu về tài chính quốc gia 5 năm 2021-2025; cũng như cần cân đối, bảo đảm hài hòa giữa quy mô hỗ trợ và khả năng huy động nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách nhà nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính cho doanh nghiệp, việc hỗ trợ này dự kiến được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của đại dịch.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 trong dài hạn, tập trung vào các xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số. “Chính sách cần bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội: An toàn đến đâu mở cửa đến đó

    Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Hà Nội: An toàn đến đâu mở cửa đến đó

    17:33, 30/09/2021

  • Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn

    Nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế: Sản xuất phải an toàn

    17:28, 30/09/2021

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Xây dựng lộ trình phục hồi kinh tế

    06:05, 30/09/2021

  • Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam

    Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi kinh tế Việt Nam

    14:00, 28/09/2021

  • Coi vận tải là tuyến đầu phục hồi kinh tế

    Coi vận tải là tuyến đầu phục hồi kinh tế

    20:53, 23/09/2021

GIA NGUYỄN