Gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỉ đồng: Cần hỗ trợ đúng đối tượng
Các chuyên gia nhấn mạnh gói hỗ trợ lãi suất 20.000 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính xây dựng cần phải xác định được đối tượng hỗ trợ là ai, cách thức thế nào và thời gian hỗ trợ trong bao lâu.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bộ đang nghiên cứu để tham mưu Chính phủ một số gói về kích thích kinh tế, hỗ trợ lãi suất với khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - cho biết, ở thời điểm bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bộc lộ ra sự đuối sức, thậm chí kiệt quệ.
Do vậy, nếu doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, khuyến khích doanh nghiệp mạnh mẽ hơn trong tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu chính sách giảm lãi suất cho vay này được đưa vào thực tế thì cũng chỉ hỗ trợ được một phần cho những doanh nghiệp đã có hoạt động tín dụng tốt với ngân hàng, tức là họ đã tiếp cận được tín dụng với ngân hàng, nay sẽ được tiếp cận với lãi suất thấp hơn.
"Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp để chính sách về tín dụng được phát huy hết những tác dụng thì ngân hàng cũng cần tính toán làm sao, để có thể cho được nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng hơn. Chỉ khi nào gỡ được điều đó thì nhiều doanh nghiệp mới có thể tiếp cận tín dụng hơn, từ đó mới phát huy được hết những ý nghĩa của một chính sách tín dụng" - ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng đã là các gói hỗ trợ cho doanh doanh nghiệp thì dứt khoát nó phải hỗ trợ cho doanh nghiệp, đây là điều đương nhiên. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ 10.000 -20.000 tỷ đồng thì điều quan trọng nhất là đó là xác định được đối tượng hỗ trợ là ai, cách thức hỗ trợ thế nào và thời gian hỗ trợ trong bao lâu.
“Nếu xác định được càng chi li, càng cụ thể thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp càng dễ dàng. Khi đó, doanh nghiệp họ sẽ biết được rằng họ nằm ở diện hỗ trợ nào, cần phải làm những thủ tục gì, giấy tờ ra sao, văn bản như thế nào,… thì khi đó gói hỗ trợ này mới phát huy được tính hiệu quả”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, lâu nay, chúng ta cũng đã có rất nhiều gói hỗ trợ như: gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và gói 26.000 tỷ (năm 2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19, hay gói 30.000 tỷ đồng (bảo hiểm xã hội),… nhưng trên thực tế thì việc giải ngân tương đối thấp, vì vậy, các đối tượng cụ thể, cách thức, phương thức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, các thủ tục giấy tờ, các yêu cầu để thực hiện hỗ trợ thì đó mới là quan trọng nhất.
"Gói hỗ trợ lần này thực sự cần thiết cho năm 2022, bởi rõ ràng rằng các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, cần một thời gian để dần hồi phục và thời gian đó không chỉ một vài tháng mà cần có thời gian dài bởi vì đây là khoản vay. Vì vậy, gói hỗ trợ này cần phải tính toán thời gian sao cho thật hợp lý chứ không phải chỉ trong dăm ba tháng”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm