KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay

PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia Tài chính 25/09/2021 08:15

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần nghiên cứu các lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng, để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

với số vốn ngân sách bỏ ra rất nhỏ, vì nếu lãi suất thường dao động từ 10-12%, nhưng nếu giảm xuống 5-6% thì Nhà nước cũng chỉ phải bù 5-6% còn lại, mà cung cấp được một lượng tín dụng gấp hàng trăm lần đổ vào các lĩnh vực Nhà nước mong muốn, thì đó là điều rất tốt (ảnh: Internet)

Với số vốn ngân sách bỏ ra rất nhỏ, cấp bù ngân sách có thể giúp cung cấp được một lượng tín dụng lớn đổ vào các lĩnh vực Nhà nước mong muốn (ảnh: Internet)

Hai mặt của vấn đề

Về vấn đề này, Việt Nam đã có tiền lệ vào giai đoạn năm 2008-2009 khi cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, với một số ngành nghề, lĩnh vực được chỉ định, thông qua ngân hàng. Trong đó, phần chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất tối đa được ấn định, sẽ do ngân sách Nhà nước đứng ra chịu.

Với giải pháp này sẽ có một số ưu điểm, như thúc đẩy các ngân hàng cho vay vào các lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên, coi là trọng điểm để phát triển kinh tế. Đồng thời,  giúp dòng tiền đi đúng địa chỉ, tới các doanh nghiệp được vay nợ với lãi suất thấp trong phạm vi khống chế, thường thấp hơn 2-4 % so với thị trường, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Những ngành nghề này không chỉ mang tính nền tảng, trụ cột cho nền kinh tế, mà còn góp phần hỗ trợ cho các ngành nghề khác đi lên, với điều kiện có tính lan tỏa.

TS. Đinh Trọng Thịnh

TS. Đinh Trọng Thịnh

Mặt khác, bất lợi của cấp bù lãi suất cũng tương đối rõ ràng như:

Thứ nhất, là nó tạo ra sự mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, khi người thì được vay lãi suất 3-4%, người thì lại phải vay với lãi suất cao hơn, gây ra sự bất bình đẳng.

Thứ hai, đây là những ngành nghề lĩnh vực mà do Nhà nước ưu tiên, chỉ định, nhưng Nhà nước cũng chỉ là con người mang tính chủ quan, nên vẫn có nguy cơ xảy ra chuyện sai lệch sự phân bổ nguồn lực xã hội vào các lĩnh vực, ngành nghề. Thậm chí bóp méo sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong tương lai, vì đi theo hướng nhìn chủ quan chứ không phải đi theo điều kiện thị trường.

Thứ ba, hoạt động này cũng có thể tạo ra những điểm đen, sự "móc ngoặc" giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong vấn đề cho vay. Vì Nhà nước hỗ trợ thông qua ngân hàng, cấp tiền cho ngân hàng chứ không phải trực tiếp đến doanh nghiệp. Từ đó, dễ có tình trạng cho vay không đúng đối tượng, "móc ngoặc" với doanh nghiệp “cánh hẩu”, sân sau mà hiện tượng này đã từng xảy ra trước đây.

Thứ tư, khi dòng tiền lớn được bơm vào thị trường có thể đẩy lạm phát tăng cao, trong khi độ trễ thường từ 6 tháng đến một năm, hai năm mới phát huy hết tác dụng cũng như tác hại của nó. Vì thế, lúc đầu khi bơm tiền ra chưa có vấn đề gì, nhưng một, hai năm sau mới thấy lạm phát tăng cao, cân đối vĩ mô bất ổn, mất giá tiền tệ cùng nhiều hậu quả kèm theo, dẫn đến tăng giá hàng hóa và gây nguy hại cho nền kinh tế nói chung.

Giải pháp hiệu quả

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ vẫn nên xem xét cấp bù lãi suất như một biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai. Như vậy, với số vốn ngân sách bỏ ra rất nhỏ, giả sử lãi suất cho vay dao động trong khoảng 10-12%, nhưng nếu giảm xuống 5-6% thì Nhà nước cũng chỉ phải bù 5-6% còn lại, mà cung cấp được một lượng tín dụng gấp hàng trăm lần đổ vào các lĩnh vực Nhà nước mong muốn, thì đó là điều rất tốt.

ần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai (ảnh: Internet)

Chính phủ cần nghiên cứu một số lĩnh vực, ngành nghề với sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để triển khai hỗ trợ ( trong ảnh: Thủy sản là một trong những ngành đang "kêu cứu")

Với bài học của năm 2008-2009, Chính phủ phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh có sự bắt tay "móc ngoặc" giữa các doanh nghiệp với ngân hàng, hoặc ngân hàng cho các doanh nghiệp sân sau vay không đúng đối tượng. Điều đó đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có một cái “phanh” hãm đúng lúc để việc cấp vốn tín dụng không trở thành hiện tượng gây phương hại đến lạm phát, mất giá trị đồng tiền, cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Chính vì điều này chúng ta đã biết, nên chỉ làm trên một phạm vi vừa phải và phải có các biện pháp triệt để tránh các hậu quả.

Theo quan điểm của tôi, các ngành nghề kinh tế phải xác định là những ngành có thế mạnh riêng, đang gặp khó khăn và mang tính trụ cột. Phải kể đến một số lĩnh vực như: sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, chế tạo; nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản, linh phụ kiện điện tử, tivi, tủ lạnh,... Đây đều là thế mạnh mà hiện nay Việt Nam đang mong muốn phát triển, nếu vẫn giữ được thế mạnh tăng trưởng xuất khẩu trong năm từ 20-30%, thì rõ ràng sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng vượt trội. Việc xuất khẩu được hàng hóa sẽ đòi hỏi nhập khẩu và các mặt hàng khác cũng phải đi theo, sẽ tạo ra dòng chảy rất tốt cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng,... cũng là những ngành nghề cũng cần phải chú ý quan tâm để tạo ra sức bật mới trong giai đoạn phục hồi. Nhất là du lịch hiện nay đang gặp khó khăn, tiền vốn cạn kiệt, nhưng nếu tiêm chủng vaccine tốt và mở cửa được cho du lịch, sẽ là một lực hút rất mạnh cho tăng trưởng trong tương lai.

Về biện pháp điều hành chính sách để tránh được bất lợi do cấp bù lãi suất có thể gây ra, đó là:

Thứ nhất, phải phân loại các ngành nghề lĩnh vực được ưu tiên, tránh tình trạng nhập nhèm, mất cân đối, khiến dòng tiền đi không đúng hướng.

Thứ hai, phải kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục các ngân hàng cho vay. Như vậy, phải hình thành một cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm với những người thực hiện.

Thứ ba, với cơ quan quản lý chung của Nhà nước, thì phải có cái nhìn tổng thể, tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, lượng vốn phù hợp, tất nhiên cấp bù lãi suất sẽ ít nhiều tác động đến giá trị đồng tiền và lạm phát, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Thứ tư, điều quan trọng nhất đó là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay trên các phương tiện thông tin, để các bên đều có thể truy cập thông tin, dữ liệu, phản ánh các quy định giúp cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao.

Có thể nói, nếu Chính phủ điều chỉnh, cân bằng được việc này thì sẽ  tạo hiệu ứng rất tích cực cho nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy được việc ứng dụng công nghệ số trên diện rộng, khi đó, mọi thủ tục giấy tờ đều trở nên đơn giản, tiết kiệm. nhanh chóng và kiểm soát dễ dàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi

    05:26, 20/09/2021

  • Sẵn sàng cho nhu cầu tín dụng cuối năm

    11:00, 16/09/2021

  • Quản lý rủi ro môi trường trong tín dụng: Thúc đẩy tài chính bền vững

    16:09, 14/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO