Trong bối cảnh các doanh nghiệp kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo cấp bách cấp bù lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương ngày 26/9, Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng và điều chỉnh lãi suất theo đúng cam kết.
Trong kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nêu nguyện vọng doanh nghiệp chờ được nới hạn mức tín dụng do các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt khi nhiều bộ phận, phân khúc vẫn có khả năng hấp thu được vốn.
Bơm tiền, tăng hạn mức cho doanh nghiệp, song nỗ lực hạ lãi suất vay vẫn cần những bước đi điều hành sát thực tế. Trong giải pháp của mình, Thống đốc NHNN nhấn mạnh “sẽ điều chỉnh lãi suất theo đúng cam kết”. Tính đến hết tháng 8/2021, ngành ngân hàng đã hạ lãi suất 3 lần. Nhưng với các doanh nghiệp vẫn là chưa đủ, nên 14 Hiệp hội đã ký kiến nghị giảm lãi vay hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-NHNN, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Quy mô gói, theo các chuyên gia, là một yếu tố trước hết cần xem xét. TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích với hạn mức 100.000 tỷ đồng dư nợ dự kiến, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng thì sẽ giúp được khoảng 20.000 doanh nghiệp vượt khó.
Trong khi cấp bù lãi suất bao nhiêu % cũng là câu hỏi khó. Theo một tính toán của Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, tùy theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp, 16 ngân hàng đã thực thi cam kết giảm lãi vay từ 0,5%-2,5%. Giả định kế hoạch cấp bù lãi suất sẽ triển khai như ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, với khoảng 2.400 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ 4% lãi suất có thể huy động tới 60 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế, gần sát với quy mô gói mà Vụ trưởng Vụ tín dụng đề cập, thì đây sẽ mức cấp bù “trong mơ” của doanh nghiệp bởi lãi suất vay theo mặt bằng chung có thể tiệm cận về mức khoảng 2%/năm. Song việc “pha trộn” gói này với gói giãn, hoãn, giảm lãi và phí của NHNN trước đó sao cho ứng dụng thực tế, cũng vẫn cần một kế hoạch hết sức chi tiết, minh bạch, sòng phẳng và cụ thể.
Có thể bạn quan tâm
Gói hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách: Cần có cơ chế đặc biệt
04:05, 06/10/2021
Chủ thẻ tín dụng sắp được miễn, giảm lãi suất, phí... theo tiêu chí nào?
05:15, 01/10/2021
Tác động của gói cấp bù lãi suất tới thị trường chứng khoán
05:30, 30/09/2021
Chọn đối tượng để lan tỏa hiệu ứng gói cấp bù lãi suất
05:15, 29/09/2021