Nếu có cơ chế đặc biệt, các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn cho vay đối với doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh, đồng thời doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nhiều hơn…
Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xung quanh vấn đề về gói hỗ trợ lãi suất “cứu” doanh nghiệp.
Theo đó, trước những khó khăn của doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid, mới đây Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 này các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng (hỗ trợ lãi suất) để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đánh giá về tính khả thi của gói cấp bù ưu đãi lãi suất bằng ngân sách, TS. Nguyễn Quốc Hùng đồng tình với chủ trương sử dụng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp.
“Vấn đề quan trọng nhất ở đây, theo tôi là làm thế nào để đối tượng thụ hưởng, cụ thể là doanh nghiệp, sớm tiếp cận gói ưu đãi lãi suất này”, TS Hùng nói.
Hiện tại các doanh nghiệp đều rất khó khăn, doanh thu bị ảnh hưởng, kết quả kinh doanh không bảo đảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Thế nhưng cái khó của ngân hàng là họ không thể tự ý giảm chuẩn cho vay được. Ngay cả Ngân hàng nhà nước cũng không thể đưa ra Thông tư dưới chuẩn để cho phép các ngân hàng thực hiện được.
Vì vậy, song song việc dành nguồn tiền để hỗ trợ, Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế đặc biệt trong bối cảnh lịch sử nhất định. Nếu có cơ chế đặc biệt, các tổ chức tín dụng sẽ mạnh dạn cho vay đối với doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh và doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nhiều hơn.
“Tuy nhiên, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, chúng ta cần ban hành cơ chế sao cho phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đồng thời ngân hàng quản lý kiểm soát rủi ro trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.
Cũng theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bên cạnh các giải pháp từ phía ngân hàng, Bộ Tài chính nên chủ động, mạnh dạn hơn trong giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhất là khi Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành rốt ráo triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.
Xung quanh câu chuyện đề xuất Ngân hàng nhà nước nghiên cứu xem xét ban hành các gói vay lãi suất thấp trong thời gian từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, điều này không khả thi, bởi kinh nghiệm các nước cho thấy chính sách tiền tệ không làm thay được chính sách tài khoá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đánh giá, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã vào cuộc và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giảm phí… Lũy kế từ khi có dịch đến nay, các ngân hàng đã cắt giảm trên dưới 30 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong đó gần 27 nghìn tỷ đồng là để hỗ trợ lãi suất hỗ trợ, 2 nghìn tỷ đồng để giảm phí. Con số như vậy không phải là ít. Tính tổng các biện pháp mà ngân hàng triển khai trong thời gian qua thì mức lãi suất ngân hàng đã hỗ trợ nhiều hơn so với mức đang tính toán như hiện nay. Điều này cho thấy ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất quyết liệt.
Có thể nói, hiện ngành Ngân hàng đã tận dụng hết mức các công cụ chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ở đây là trong khi ngành Ngân hàng không còn dư địa để hỗ trợ, thì các nguồn khác lại chưa được tận dụng hết như Quỹ Phát triển DNNVV, giảm thuế, giảm phí...
Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, thời gian tới, nhất thiết cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía các bộ, ngành với các quyết sách nhanh, đủ mạnh mới có thể hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Nói tóm lại, khi xây dựng các gói hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn này cần phải có cơ chế đặc thù thì tính khả thi mới cao, việc giải ngân vốn mới thuận lợi, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn”, TS Hùng nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với vị chuyên gia xung quanh những kiến nghị Ngân hàng nhà nước bỏ quy định doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mới được tiếp cận vay vốn lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nếu bỏ quy định này sẽ gây khó cho ngân hàng trong việc bóc tách nợ xấu. Thực tế là không loại trừ khả năng doanh nghiệp có nợ xấu trước khi dịch bệnh xảy ra. Đối với doanh nghiệp phát sinh nợ trong giai đoạn dịch bệnh Covid diễn ra thì đã được các ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ.
“Còn doanh nghiệp phát sinh nợ xấu từ trước khi có dịch vẫn được hưởng chính sách ưu đãi này sẽ rất rủi ro cho ngân hàng. Trong khi áp lực nợ xấu gia tăng của hệ thống ngân hàng là rất lớn”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đánh giá việc hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách và điều kiện vay như thế nào không phải của mỗi ngành ngân hàng mà cần phải có nhiều bộ, ngành vào cuộc. Ví dụ gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng năm 2009, các ngân hàng đã bị “ám ảnh” bởi thủ tục cho vay và việc kiểm toán, thanh quyết toán sau đó. Vì vậy, rút kinh nghiệm riêng việc kiểm toán sau khi kết thúc chúng ta cần xác định mức độ dung hòa như thế nào, giao trách nhiệm rõ từ đầu, có chấp nhận mức độ sai sót nhất định và chỉ kiểm toán đại diện mẫu (nếu có), hay lại bắt buộc quay trở lại kiểm toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình 100% như năm 2009. Nếu thế thì sẽ rất khó triển khai, các ngân hàng rất e ngại vì sai sót nhỏ có thể xảy ra do tình thế lúc này và rủi ro dẫn tới yếu tố hình sự hoặc chậm quyết toán như vừa qua. |
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sửa Luật Công đoàn
15:23, 28/09/2021
Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị chính sách lãi suất ưu đãi
11:00, 28/09/2021
VGTA kiến nghị không tăng thuế xuất khẩu vàng
03:00, 14/08/2021
VPA kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu mặt hàng polypropylen
04:10, 10/08/2021
Tổng cục Thuế trả lời kiến nghị về việc áp dụng Thông tư hoàn thuế GTGT
03:50, 03/08/2021
Sai phạm tại SAGRI: Viện Kiểm sát kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng nhiều cán bộ
11:00, 02/08/2021