VPA kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu mặt hàng polypropylen

GIA NGUYỄN 10/08/2021 04:10

Trước việc hàng loạt doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn nếu tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng polypropylen (hạt nhựa PP), Bộ Tài chính đã có phản hồi chưa điều chỉnh mức thuế…

Mới đây, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) vừa có văn bản gửi Chính phủ và một số bộ, ngành đề nghị không tăng mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng polypropylen (hạt nhựa PP) từ mức 3% lên 6% và 6,5% bởi, hiện nay tổng sản lượng thực tế cung ứng cho nhu cầu ngành nhựa với 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu chỉ đạt mức 550.000 tấn/năm, trong khi, nhu cầu sử dụng nguyên liệu nhựa PP mà ngành công nghiệp nhựa sẽ tiêu thụ từ năm 2021-2025 dự kiến từ 2 đến 2,9 triệu tấn/năm.

Ngành nhựa sẽ đối diện với nhiều khó khăn nếu tăng thuế nhập khẩu

Ngành nhựa sẽ đối diện với nhiều khó khăn nếu tăng thuế nhập khẩu mặt hàng polypropylen (hạt nhựa PP) từ mức 3% lên 6% và 6,5%

Theo VPA, với mức tiêu thụ lớn như vậy trong khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được nên doanh nghiệp nhựa phải tìm kiếm nguồn nhập khẩu nguyên liệu PP từ nước ngoài là điều tất yếu. Nếu tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 6% thì chi phí phát sinh tiền thuế mà doanh nghiệp nhựa nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… phải chi trả dự kiến trong 5 năm tới là trên 3.000 tỷ đồng.

“Khi tăng thuế nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể chuyển sang mua nguyên liệu PP từ các nước trong khu vực FTA, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi ấy không thể mua nguyên liệu PP với giá như trước đây (mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu từ khu vực này là 0%) vì khi đó người bán sẽ nâng giá bán lên tương ứng với giá của các nước ngoài khu vực FTA”, VPA cho biết.

Đáng nói, theo tính toán của đơn vị này, chi phí phát sinh mà các doanh nghiệp phải chi trả dành cho các nước trong khu vực FTA dự kiến trong 5 năm tới sẽ là 6.984 tỉ đồng, khoản chi phí này Nhà nước hoàn toàn không thu được mà sẽ chảy vào túi các nước trong khu vực FTA.

VPA cho rằng, nếu tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 6% thì các doanh nghiệp nhựa trong nước phải gánh thêm một khoản chi phí rất lớn, khi đó các doanh nghiệp nhựa sẽ không dám đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt dưới tác động của đại dịch COVID-19 như hiện nay, doanh nghiệp đang xoay xở trong tình huống cực kỳ khó khăn để có thể duy trì sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, việc tăng thuế chẳng khác nào giáng thêm một đòn chí mạng “hạ gục” toàn bộ ngành sản xuất bao bì nhựa nói riêng và ngành nhựa Việt Nam nói chung.

Bộ Tài chính cũng đã có những phản hồi về việc không tăng thuế

Bộ Tài chính cũng đã có tờ trình và kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng PP vì lo ngại doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn

Liên quan đến những nội dung đã nêu, trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có những phản hồi. Cụ thể, đối với mặt hàng PP, theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mặt hàng PP Homo (mã HS: 3902.10) và PP Copo (HS 3902.30) có thuế suất thuế MFN là 3%.

Hiện kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng 3902.10 năm 2020 khoảng 1,14 tỷ USD, nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng 3902.10 đạt 600 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu của nhóm mặt hàng 3902.30 đạt 315,6 triệu USD, nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 154,977 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến kiến nghị đã nêu, trước đây Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các đơn vị, tại Tờ trình Chính phủ số 16/TTr-BTC ngày 14/2/2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giữ nguyên mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của các mặt hàng này.

Và tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giữ nguyên như quy định hiện hành để tránh xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

“Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng PP sẽ ảnh hưởng đến giá thành đầu vào của nhiều ngành sản xuất trong nước, nhất là ngành nhựa”, Bộ Tài chính thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý thu thuế: Tập trung các lĩnh vực còn dư địa, tiềm năng

    Quản lý thu thuế: Tập trung các lĩnh vực còn dư địa, tiềm năng

    05:00, 07/08/2021

  • Miễn, giảm tiền thuê nhà cho người dân vùng dịch: Cần gói hỗ trợ riêng

    Miễn, giảm tiền thuê nhà cho người dân vùng dịch: Cần gói hỗ trợ riêng

    04:00, 07/08/2021

  • Kiến nghị xử lý gần 26 nghìn tỷ đồng qua thanh kiểm tra thuế

    Kiến nghị xử lý gần 26 nghìn tỷ đồng qua thanh kiểm tra thuế

    00:06, 07/08/2021

  • Tăng cường miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

    Tăng cường miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

    22:44, 06/08/2021

  • Thận trọng điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép

    Thận trọng điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu thép

    11:00, 05/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
VPA kiến nghị không tăng thuế nhập khẩu mặt hàng polypropylen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO