Nghệ An lý giải ra sao trước hàng loạt công trình cấp bách dở dang?
Nhiều dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công xây dựng các công trình đê điều, kênh mương, thuỷ lợi…phục vụ ngành nông nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân thi công dở dang.
>> Đôn đốc gỡ vướng giải ngân vốn đầu tư công
Thực trạng này được cử tri ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, đốc thúc tiến độ để người dân yên tân sản xuất, kinh doanh và sinh sống ổn định nhưng đều rơi vào tình thế tắc nguồn vốn giải ngân.
Đầu tư ồ ạt, dở dang tràn lan
Để nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, bờ kè…gần 10 năm nay, Nghệ An đã tập trung phân bổ, bố trí nguồn vốn đầu tư công thực hiện các công trình dự án trọng điểm, cấp bách. Theo đó, hàng loạt các dự án đã được khởi công, xây dựng hứa hẹn tạo ra diện mạo mới cho ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển ổn định, bền vững lâu dài.
Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại hiện nay đó là thực trạng nhiều công trình dự án phục vụ ngành nông nghiệp ở Nghệ An được triển khai thi công dở dang, “đắp chiếu” suốt thời gian dài do không thể cân đối được nguồn vốn đầu tư giải ngân theo đúng tiến độ. Thậm chí, nhiều dự án được triển khai thi công theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân tại địa phương.
Mới đây, trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVIII sẽ diễn ra vào ngày 07 đến 09/12 tới đây, ngành chức năng đã thống kê trên địa bàn có tới 17 công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công triển khai dang dở tồn tại hàng chục năm qua chưa thể tìm ra giải pháp khắc phục.
Dự án Sửa chữa, nâng cấp đê Lương - Yên - Khai, huyện Thanh Chương đoạn từ K0+000 - K3+262,66 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3885/QĐ-UBND.NN ngày 22/9/2011.
Theo quyết định này, UBND tỉnh Nghệ An sẽ giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư; nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa lũ, chương trình củng cố nâng cấp đê sông và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác với tổng mức đầu tư hơn gần 37 tỷ đồng.
Qua đó, dự án đã được triển khai từ tháng 9/2011 và đã được bố trí nguồn vốn với tổng số tiền 20.492.000.000 đồng nhưng do chưa được bố trí số tiền giải ngân còn lại nên kéo dài 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Hay như các hạng mục dở dang rồi dừng lại tại công trình Kênh tiêu dẫn dòng từ huyện Quỳ Châu đến địa phận xóm Hợp Thành, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp cũng đang trở thành vấn đề được cử tri nhiều lần kiến nghị trong suốt thời gian qua.
Được biết, hệ thống kênh tiêu Châu Bình đã tiến hành thi công cơ bản hoàn thành, trong quá trình thi công, kênh tiêu Châu Bình đã xảy ra hiện tượng sạt lở từ năm 2015 đến nay, nhất là sau khi trải qua những đợt mưa bão lớn đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An nhưng hiện nay chủ đầu tư vẫn đang chờ Bộ, ngành Trung ương bố trí nguồn vốn bổ sung thêm 85,863 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.
>> Đầu tư công: "Cú đấm" kích cầu phục hồi kinh tế
Công trình dự án kém hiệu quả vì tắc nguồn vốn
Để lập hồ sơ, phương án triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách trong ngành nông nghiệp, yêu cầu về khảo sát thực trạng và đánh giá tính khả thi của dự án là công đoạn không thể bỏ qua trước khi cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định phê duyệt.
Còn ở góc độ nhà thầu trúng thầu thi công, nhiều doanh nghiệp khi được lựa chọn thực hiện cũng đặt kỳ vọng sẽ được giải ngân kịp thời nguồn vốn đầu tư theo đúng tiến độ để sớm bàn giao, đưa công trình vào sử dụng. Vậy nhưng, do thực trạng bế tắc nguồn vốn, trải qua nhiều phân kỳ không cơ quan có thẩm quyền không bố trí vốn nên nhà thầu cũng không thể đi vay nóng tiền ngân hàng, cá nhân, tổ chức để tiếp tục thi công được.
Thậm chí, nhiều nhà thầu còn mòn mỏi gõ cửa các cơ quan chức năng để đệ đơn kiến nghị, tờ trình mong nhà đầu tư sớm bố trí nguồn vốn giải ngân tiếp tục thi công nhưng đều rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”. Phương tiến máy móc, lán trại phục vụ thi công dự án đành phải “đắp chiếu” suốt thời gian dài, thậm chí hàng chục năm trờ để chờ vốn.
“Chúng tôi phải chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh chứ nếu cứ chờ đợi, bám theo công trình xây dựng mà nguồn vốn không được giải ngân thì sẽ rơi vào phá sản. Nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng công trình ở Nghệ An phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì không được bố trí vốn để thi công.
Điệp khúc do khó khăn nên chưa bố trí được nguồn vốn thực hiện là câu trả lời mà chúng tôi thường xuyên gặp khi gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền địa phương và chủ đầu tư quản lý nguồn vốn nhà nước” – đại diện một doanh nghiệp từng là nhà thầu thi công xây dựng công trình ở Nghệ An nói.
Thi công công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công dang dở, chưa thể tiếp tục đang là câu chuyện kéo dài từ năm này qua năm khác ở Nghệ An. Đặc biệt, dự án dở dang trong lĩnh vực ngành nông nghiệp đang khiến cho đời sống sản xuất, canh tác cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chính vì vậy, câu trả lời bao giờ sẽ được tiếp tục bố trí nguồn vốn giải ngân và thời điểm nào nhà thầu thi công có thể khởi động trở lại hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng thì hiện nay vẫn chưa có đáp án rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Chợ tiền tỷ có nguy cơ trở thành…phế tích
17:00, 28/11/2021
Vụ cơ sở chế biến tinh bột sắn chui ở Nghệ An: Chính quyền xử lý như thế nào?
16:19, 23/11/2021
Nghệ An: Các bị cáo trong vụ Ơ Đu đã lợi dụng chức vụ như thế nào trước khi nhận án tù?
11:00, 21/11/2021
Nghệ An: “Treo” sinh mạng người dân bên miệng “hà bá”
00:06, 12/11/2021