Lập khống chứng từ, khối lượng các hạng mục để thanh toán tiền tỷ của Nhà nước rồi chia nhau, nhiều cán bộ ở Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp đã phải lĩnh án tù.
>> Vụ xây 67 chuồng bò gần 12,5 tỉ đồng: Khởi tố 1 cán bộ và 2 lãnh đạo doanh nghiệp
Mới đây, vào ngày 19/11, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với nhóm nguyên cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An ra xét xử vì sai phạm liên quan đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu ở địa phương này.
Từ một chủ trương an sinh xã hội cho người nghèo khó
Sau khi nghe cáo trạng đọc tại phiên xét xử do TAND tỉnh Nghệ An tổ chức, mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến nhóm cán bộ Ban Dân tộc tỉnh này được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi từ một chủ trương an sinh xã hội do Chính phủ ban hành liên quan đến Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 với nguồn kinh phí 2.000 tỷ đồng trên phạm vi cả nước, trong đó có nội dụng nhằm giúp người Ơ Đu ở Nghệ An tạo sinh kế lâu dài, ổn định nhưng khi thực hiện lại để xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để rút tiền ngân sách trái quy định.
Trước hết, có thể khẳng định rằng, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bộ phận người dân tộc rất ít người là chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ kế sinh nhai, rút ngắn khoảng cách giàu-nghèo giữa các dân tộc với nhau.
Vậy nhưng, với quá trình khảo sát thực tế, thống kê thực địa về tình hình người Ơ Đu sinh sống tại những địa bàn nói trên, các cơ quan, ban ngành tỉnh Nghệ An lại có cách làm không giống ai. Đó là việc ở bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương không hề có người Ơ Đu nhưng địa phương này vẫn “vẽ” họ vào các bản báo cáo, danh sách thống kê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, theo thống kê của tỉnh Nghệ An thì đến cuối năm 2015, người Ơ Đu (phrom Ơ Đu) ở Nghệ An có 179 hộ gia đình với 856 nhân khẩu.
Tiếp đó, để lập Đề án, trình Chính phủ phê duyệt, các đơn vị chức năng ở đây đã thống kê tại bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ gia đình người Ơ Đu với 231 nhân khẩu.
Vào ngày 22/7/2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định 3829/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2025 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 90%.
UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư, được chia làm 02 giai đoạn, trong đó từ năm 2016-2020 với kinh phí 61,6 tỷ đồng và từ năm 2021-2025 với kinh phí 58,4 tỷ đồng. Vậy nhưng, trong quá trình triển khai các phần việc theo Đề án đã được phê duyệt, nhiều cán bộ ở Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có động thái lập khống danh sách, thông đồng với nhau để rút tiền tỷ từ ngân sách Nhà nước trái quy định.
>> Ban Dân tộc nói gì về việc không có người Ơ Đu vẫn đưa vào diện xin hỗ trợ?
Đến hành vi lợi dụng chức vụ để rút tiền ngân sách
Vụ việc cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố vụ án, bắt tạm những bị can liên quan vào những tháng cuối năm 2020. Đến ngày 19/11, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa các bị cáo ra xét xử gồm: Kim Văn Bốn (SN 1983), cựu cán bộ Phòng chính sách; Nguyễn Tâm Long (SN 1974), cựu Phó Trưởng phòng Chính sách; Chu Thị Thúy Khanh, cựu Kế toán Ban Dân tộc và Lê Văn Sơn (SN 1962), Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981), là Giám đốc và Phó giám đốc Công ty xây dựng Văn Sơn có địa chỉ tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Riêng bị cáo Lương Thanh Hải (SN 1962) cựu Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, kiêm Trưởng ban quản lý Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2025 bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, khi thực hiện nhiệm vụ được phân công đối với gói thầu số 1 (được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí 2,7 tỷ đồng), Kim Văn Bốn nhiều lần lập khống chứng từ, nâng khống khối lượng thực hiện các hạng mục để thanh toán số tiền hơn 1,33 tỷ đồng.
Để thực hiện hành vi nói trên, Kim Văn Bốn đã bàn với Nguyễn Tâm Long thống nhất không nhập quỹ, không đưa vào hạch toán trong sổ kế toán khoản tiền này mà lập bảng cân đối thu - chi và dự kiến mức chia khoản tiền này cho lãnh đạo, cán bộ Ban Dân tộc với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Số tiền này được Kim Văn Bốn và Nguyễn Tâm Long khai rằng đã chia cho cấp trên của mình là Lương Thanh Hải 500 triệu đồng, bản thân 2 bị cáo nhận mỗi người 200 triệu đồng. Còn lại, các bị cáo khai đã chia cho các cá nhân và phòng ban khác trong đơn vị.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng không chứng minh được số cán bộ này đã nhận tiền của Long và Bốn đưa, nhận chính xác bao nhiêu tiền. Vì vậy, hành vi này không có căn cứ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn đối với bị cáo Lê Văn Sơn – Giám đốc Công ty CP Xây dựng Văn Sơn và thuộc cấp của mình là Nguyễn Đình Thịnh đã cấu kết trong việc thực hiện hành vi sử dụng một bộ hồ sơ của loại máy cày cùng chủng loại do Thái Lan sản xuất để nghiệm thu công trình, đưa vào khai thác sử dụng, dù trên thực tế chưa có máy cày để bàn giao cho đơn vị hưởng lợi là bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Trong hồ sơ gói thầu yêu cầu mua máy cày do Nhật Bản sản xuất.
Để thực hiện hành vi này, Công ty CP Xây dựng Văn Sơn đã móc nối với Nguyễn Tâm Long biết Biên bản nghiệm thu, hồ sơ thanh toán máy cày không đúng quy định của pháp luật, công ty này chưa có máy cày để bàn giao nhưng khi Công ty Văn Sơn đề nghị thanh toán khoản tiền mua máy cày vẫn ký nháy vào các văn bản để công ty này thanh toán, gây thiệt hại cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An 224,5 triệu đồng.
Tại phiên xét xử, Hội đồng xét xử nhận định, Nguyễn Tâm Long phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền hơn 1,56 tỷ đồng; Kim Văn Bốn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; Chu Thị Thúy Khanh phải liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền 224,5 triệu đồng. Còn bị cáo Lương Thanh Hải được xác định liên đới gây thiệt hại cho Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An hơn 1,56 tỷ đồng.
Kết thức phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Tâm Long 5 năm tù, Kim Văn Bốn 4 năm tù. Lương Thanh Hải 36 tháng tù treo; các bị cáo Lê Văn Sơn 18 tháng tù treo, Nguyễn Đình Thịnh và Chu Thị Thúy Khanh mỗi bị cáo 15 tháng tù treo.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Dự án chưa được phép bán, vẫn vây tôn quảng cáo với tên gọi khác?
11:00, 19/11/2021
Nghệ An: Xẻ đất đồi, xâm phạm di tích lịch sử để san lấp dự án?
04:00, 12/11/2021
Nghệ An: “Treo” sinh mạng người dân bên miệng “hà bá”
00:06, 12/11/2021
Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản trái phép ở Nghệ An
04:10, 10/11/2021
Nghệ An có “phung phí” tiền tỷ tại những công trình nước sạch?
04:20, 07/11/2021