Giải quyết tranh chấp trong các dự án PPP
Các dự án triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có đặc điểm là thường có giá trị lớn; thời gian thực hiện, vận hành dài.
Do vậy đã xuất hiện nhiều tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện và vận hành.
>>Bước lùi của PPP?
Tại Việt Nam, mô hình PPP đã được thực hiện cách đây hơn 20 năm, với khung pháp lý ban đầu là Nghị định của Chính phủ quy định quy chế đầu tư có hợp đồng BOT. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư số 64 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Phát sinh tranh chấp
Tuy nhiên, những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện dự án PPP ngày càng nhiều.
Theo số liệu thống kê, nghiên cứu, các tranh chấp tại dự án PPP thường phát sinh trong 10 năm đầu sau khi đạt được thỏa thuận tài chính. Trong năm đầu, các tranh chấp phát sinh đạt 4,2%; ở năm thứ tư (tức là giai đoạn bắt đầu vận hành) có khoảng 15% tranh chấp phát sinh; và có đến 30% tranh chấp phát sinh ở năm thứ 10 sau khi đạt thỏa thuận tài chính.
Ông Giang Đoàn, Chuyên gia quốc tế về PPP của USAID cho rằng, các dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư có đặc điểm là thường có giá trị lớn; thời gian thực hiện, vận hành dài. Các tranh chấp phát sinh trong quan hệ công - tư không chỉ giới hạn trong các tranh chấp hành chính, thương mại.
“Đối với dự án PPP sẽ có 3 loại hình tranh chấp phổ biến là tranh chấp giữa khu công với khu vực tư; tranh chấp giữa nhà đầu tư với các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc công ty dự án với người sử dụng dịch vụ.
Đối với tranh chấp giữa khu vực công và tư, sẽ phát sinh 3 loại hình nhỏ chủ yếu: tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận PPP giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước ký kết hợp đồng; tranh chấp về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tranh chấp giữa các nhà đầu tư tư nhân và các cơ quan nhà nước liên quan trong các lĩnh vực như môi trường, thu hồi đất, thuế quan và chính sách tài chính.
Đối với tranh chấp giữa nhà đầu tư và các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án, chủ yếu phổ biến một số tranh chấp như sau: tranh chấp phát sinh giữa các thành viên trong liên danh các nhà đầu tư tư nhân; tranh chấp phát sinh từ thỏa thuận cho vay; tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng với các nhà thầu phụ và các bên cung ứng.
Đối với tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư hoặc công ty dự án với người sử dụng dịch vụ thường sẽ phát sinh tranh chấp với người sử dụng dịch vụ như điều khiển giao thông hoặc các công ty nhà nước mua sản phẩm, dịch vụ như công ty điện Quốc gia.” – ông Giang Đoàn phân tích.
Để đảm bảo hợp tác công tư bền vững, cả phía công là Nhà nước và phía tư là Nhà đầu tư, ngoài nhiều yếu tố về quyền và nghĩa vụ đối ứng của từng bên, đều phải thực hiện cẩn trọng rà soát các rủi ro
Cũng theo vị chuyên gia này, nguyên nhân phổ biến để phát sinh các tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án PPP cũng được phân bổ như sau: Các vấn đề môi trường và xã hội chiếm 16%; Chậm trễ, vượt chỉ tiêu xây dựng chiếm 15%; Các chỉ tiêu đầu ra và cơ chế thanh toán chiếm 13%; Giải tỏa và đền bù đất chiếm 11%; Điều kiện khu đất dự án chiếm 11%; Các vấn đề về giấy phép chiếm 9%; Rủi ro nhu cầu chiếm 7%; Thay đổi phạm vi hợp đồng chiếm 7%; Bên nhà nước vi phạm; Các vấn đề vận hành và tăng chi phí cùng chiếm 2%...
>>Rà soát pháp luật: Vướng mắc trong thực hiện Luật PPP
Đối mặt rủi ro
Theo TS. Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink: Hiện nay các nhà đầu tư dự án PPP đối diện với nhiều rủi ro cả bên trong và về ngoài như: rủi ro, vướng mắc về đất đai, hạ tầng: rủi ro, vướng mắc về huy động vốn đầu tư: rủi ro, vướng mắc về triển khai xây dựng: rủi ro, vướng mắc trong việc vận hành, khai thác: rủi ro, vướng mắc trong khâu chuyển giao, rủi ro về chính sách, pháp luật: các vướng mắc khác gồm lạm phát, tỷ giá, thuế, bất khả kháng…
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến rủi ro là sự thiếu thống nhất và chưa rõ ràng của hệ thống hành lang pháp luật nói chung, đặc biệt là sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật khác nhau. Hệ thống pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP tuy mới được hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Một số quy định vẫn còn chưa sát với thực tế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Các quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP còn chậm được ban hành, dẫn đến nhiều vướng mắc nảy sinh chưa được kịp thời tháo gỡ. Vấn đề áp dụng chuyển tiếp trong Luật Đầu tư PPP. Chính quyền vẫn coi nhà đầu tư PPP là đối tượng quản lý chứ không phải là đối tác. Đặc biệt khi có các vướng mắc, bất đồng, tranh chấp thì luôn đứng trên quan điểm lợi ích Nhà nước để giải quyết, hy sinh lợi ích nhà đầu tư.
Chính vì vậy về lâu dài, ông Vinh nhấn mạnh: Phải coi Nhà đầu tư PPP là đối tác chứ không phải là đối tượng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là một bên trong hợp đồng PPP, bình đẳng với Nhà đầu tư, không thể áp đặt. Quan tâm tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho Nhà đầu tư trong các dự án PPP. Sớm thể chế hóa và thực thi đầy đủ cơ chế pháp luật về chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong các dự án PPP theo quy định của Luật Đầu tư PPP...
Có thể bạn quan tâm
TP HCM báo cáo Thủ tướng chuyển dự án đường vành đai 3 từ PPP sang đầu tư công
13:46, 26/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP
19:45, 23/11/2021
TP HCM: Chấp thuận đề xuất dự án đường trên cao theo hình thức PPP
13:22, 23/11/2021
Bước lùi của PPP?
04:00, 21/11/2021
Kênh dẫn vốn mới cho dự án PPP
11:00, 20/09/2021
Rà soát pháp luật: Vướng mắc trong thực hiện Luật PPP
04:20, 27/08/2021