Hàng giả tồn tại sẽ "giết" chết nền sản xuất nội địa
Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng, thế nhưng, vấn nạn buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn khiến các doanh nghiệp vô cùng quan ngại…
>> Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu
Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hại với người tiêu dùng, khiến ngân sách Nhà nước thất thu, vấn nạn buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn được cho đang “giết dần” doanh nghiệp.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” vừa qua, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, doanh nghiệp vô cùng âu lo khi hàng giả xuất hiện trên tràn lan các trang mạng, từ trên những sàn thương mại điện tử có tên tuổi, lẫn các điểm bán phân tán trên các nền tảng như Facebook hay Zalo…
Thực tế, đây không phải là vấn đề mới, mà từ bấy lâu nay đã trở thành vấn nạn, dù lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc, thế nhưng, vấn nạn này vẫn diễn biến vô cùng phức tạp và không có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng thẳng thắn, năm 2021, tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm.
Theo ông Hùng Anh, những mặt hàng, sản phẩm làm giả, buôn lậu nhức nhối như găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống COVID-19, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
>> Chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái
Với các địa bàn được cho là trọng điểm gồm: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng các khu vực thuộc cửa khẩu như cửa khẩu Cầu Treo tại Hà Tĩnh, cửa khẩu Lao Bảo tại Quảng Trị, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thực tế, chỉ tính riêng toàn ngành Hải quan, trong 11 tháng của năm 2021, các đơn vị trên cả nước đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.554,7 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 270,42 tỷ đồng, và ra quyết định khởi tố 29 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ.
Chưa kể, theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng năm 2021, các đơn vị trên cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290, trong đó khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng, thu ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng.
Dù đã ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thế nhưng, các doanh nghiệp không khỏi quan ngại khi vấn nạn này còn tồn tại.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, khách hàng, đối tác, những thành viên của Hiệp hội vô cùng bức xúc.
“Hàng giả còn tồn tại đem đến thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp bởi không những không bán được hàng hóa sản xuất ra, doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ bị loại khỏi thị trường. Đặc biệt, việc mất uy tín, mất thương hiệu còn gây thiệt hại lớn hơn giá trị cụ thể của việc mất doanh số, nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ.
Nêu thực tế, một số vụ làm giả hàng gần đây sau thời gian theo dõi, bà Hạnh cho hay, có đơn vị làm giả một thương hiệu rất nổi tiếng và định hình rõ nét trên thị trường, đó là làm những hộp hàng sấy của Công ty Vinamit, nói chuyện giả cứ như thật, các đơn vị này rất liều lĩnh, dối trá người tiêu dùng một cách thản nhiên.
“Tôi thấy điều khó của doanh nghiệp bây giờ là không phát hiện cũng không làm sao ngăn chặn tình trạng trên”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao một lần nữa không khỏi quan ngại, nếu hàng giả còn tồn tại sẽ không chỉ “giết” những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn “giết” luôn nền sản xuất nội địa.
“Khi thị trường trong nước tràn ngập hàng nhập, xuất khẩu lại hạn chế trong khâu làm việc với các đầu mối hay rất kém về tiêu chuẩn, doanh nghiệp sẽ bức bối cả trên thị trường nội địa lẫn ở thị trường xuất khẩu nước ngoài”, bà Hạnh chia sẻ.
Từ đó, bà Hạnh đề xuất, các cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, vừa xử phạt nhưng vừa truyền thông chính thức, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái tái diễn bởi túi tiền của người tiêu dùng đang giảm sút nên họ sẵn sàng chấp nhận những mặt hàng giả này vì giá thấp hơn, bề ngoài rất giống hàng thật.
“Chỉ báo động một buổi như ngày hôm nay chưa thấm so với lại âu lo và thiệt hại của doanh nghiệp. Sắp tới, chúng ta sẽ phải tiến hành liên tiếp những chiến dịch để bảo vệ người sản xuất can đảm, để đứng ra bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, sau đó là bảo vệ cho người tiêu dùng”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nêu quan điểm.
Được biết, trước dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã ký ban hành Kế hoạch số 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Có thể bạn quan tâm
Lời giải cho bài toán chống hàng giả, hàng nhập lậu
11:00, 30/10/2021
Chống hàng giả, hàng lậu doanh nghiệp quan ngại chế tài chưa đủ mạnh
16:00, 28/10/2021
Chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái
04:20, 15/02/2021
Chống hàng giả cần… “người thật”!
04:30, 06/01/2021
Gian nan chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử
17:05, 17/10/2020