Chuyển đổi số vẫn vướng hàng rào… thể chế
Mặc dù được đánh giá là một trong những xu hướng tất yếu, quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0, thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, công tác chuyển đổi số hiện nay vẫn vướng hàng rào thể chế…
>>Ưu tiên đầu tư hạ tầng chuyển đổi số trong chương trình phục hồi kinh tế
Chuyển đổi số được khởi xướng từ năm 2019, tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới đây, dù đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ với mục tiêu mỗi năm tối thiểu thúc đẩy 30.000 doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số, thế nhưng, trong năm 2021, mới chỉ có 16.000 doanh nghiệp tiếp cận được, đây là một con số quá nhỏ so với 800.000 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thực tế, nhắc đến tầm quan trọng của chuyển đổi số, báo cáo đến từ những doanh nghiệp chuyên nghiên cứu thị trường lớn như: IDC, Gartner,… đều cho thấy, chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích tới mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Trong đó, những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc cho nhân viên… từ đó làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp.
Cuộc chuyển đổi số được khởi xướng và rốt ráo thực hiện trong những năm vừa qua, thế nhưng, theo các chuyên gia, công tác chuyển đổi số hiện nay vẫn đang vướng hàng rào thể chế.
>>Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ cần tích cực chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022”, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông nhận định, thể chế của nước ta đang đi chậm hơn các nước phát triển trên thế giới khoảng 5-8 năm. Bao gồm những vấn đề về thể chế chính như: tài sản số, dữ liệu, quy định về thuế, kinh doanh.
“Trên thế giới trong năm 2021, từ khoá NFT là từ khoá của năm, tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có khung pháp lý thừa nhận và cách thức quản lý cho vấn đề tài sản số”, ông Đồng chia sẻ.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, doanh nghiệp gặp vướng mắc trong chuyển đổi số, không phải vấn đề về tiền mà là khung pháp lý.
“Ví dụ như fintech, đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng hiện tại mới được Chính phủ đồng ý cho dùng dưới dạng sandbox, thí điểm. Mặt khác, fintech ngày nay chỉ thiết kế gắn với lĩnh vực ngân hàng, các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán vẫn chưa được để ý tới”, ông Lực nêu ví dụ.
Cũng theo TS. Cần Văn Lực, xét trong xu hướng phát triển kinh tế số của thế giới, hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 400 loại coins (đồng tiền) khác nhau, đặc biệt, trong năm vừa qua, đại dịch COVID-19 là chất xúc tác quan trọng khiến cho tài sản số trên toàn thế giới tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, ta vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này. Cụ thể, đó là thiếu đi khung pháp lý, quy định để quản lý tài sản số phù hợp, bên cạnh đó, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương phát hành, các chuyên gia đã nhiều lần kiến nghị, nhưng giờ mới có tổ công tác để giải quyết vấn đề này.
“Tôi cho rằng đây là một vấn đề lớn bởi liên quan tới cách tiếp cận của chúng ta và sự chấp nhận trong tương lai sẽ ra sao", ông Lực nhấn mạnh.
Đồng tình với TS. Cấn Văn Lực, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cũng cho rằng, đây là một điều khó khăn cho Việt Nam để đi cùng thế giới, tuy nhiên, tất cả đều đang dừng ở “chưa biết". Từ đó, cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
Được biết, năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với công tác chuyển đổi số khi Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình lên Chính phủ sửa các Luật liên quan đến chuyển đổi số như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ viễn thông, Luật Doanh nghiệp công nghệ số và tần số… Trong đó, có hai vấn đề trọng tâm là cơ chế về thí điểm công nghệ số và tài sản số.
Cụ thể, về thí điểm công nghệ, cần có sandbox riêng cho từng ngành để tối ưu hoá và dễ đo lường; về tài sản số, cần được định nghĩa ở mức độ rộng hơn, bởi liên quan đến Luật Dân sự và lĩnh vực ngân hàng rất nhiều.
Và như nhận định của các chuyên gia, xét riêng với cộng đồng doanh nghiệp, nếu không có sự thừa nhận về tài sản số, các doanh nghiệp sẽ không có sự bảo vệ trước các nhà đầu tư.
Từ đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc thiết kế chính sách cho vấn đề này cần dựa trên 3 trụ cột chính để có mô hình tối ưu và có thể triển khai hiệu quả nhất như: Cần có cách tiếp cận cởi mở hơn, nhưng cũng không được thả lỏng. Theo đó, sử dụng bài toán tối ưu cho vấn đề này, cởi mở để phát triển chuyển đổi số, vừa kiểm soát để hạn chế rủi ro; Đảm bảo tính cạnh tranh như sự cạnh tranh giữa ngân hàng với fintech, bigtech cũng như dịch vụ mobile money, đây là sự cạnh tranh cần thiết cho một cuộc chơi hướng tới sự phát triển và chuyển đổi số; Hiệu quả và an toàn, trong đó, cần có sự đo lường chính xác và xây dựng nhiều phương án linh hoạt cho quá trình này.
Bên cạnh những vướng mắc từ hàng rào thể chế, để thúc đẩy công tác chuyển đổi số, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc doanh nghiệp phải tự thay đổi tư duy, nhận thức, hành động quyết liệt, thì vai trò của các bộ, ngành cũng là vô cùng quan trọng. Bởi doanh nghiệp hiện đang bị ảnh hưởng lớn của COVID-19, quá trình chuyển đổi số, bản thân họ cũng đang gặp phải nhiều rào cản như: thiếu thông tin; mất nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn; thiếu nguồn lực hỗ trợ kinh tế…
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Doanh nghiệp trẻ cần tích cực chuyển đổi số
15:27, 15/01/2022
Đà Nẵng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay trong "sân chơi" chuyển đổi số
12:08, 15/01/2022
Co-opBank quyết tâm chuyển đổi số toàn diện
10:30, 11/01/2022
Ưu tiên đầu tư hạ tầng chuyển đổi số trong chương trình phục hồi kinh tế
05:30, 10/01/2022
Hưởng ứng Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, BIDV miễn toàn bộ phí trên kênh số
13:21, 09/01/2022