Theo Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, ngoài đặt trọng tâm chi tiêu của Chính phủ vào hạ tầng cứng như cầu đường, kho bãi, bến cảng,... thì hạ tầng về chuyển đổi số cũng là mục tiêu cấp thiết.
>>Quốc hội xem xét Chương trình phục hồi kinh tế
Tiếp tục chủ đề thảo luận xoay quanh Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, nhiều ý kiến được đưa ra, đi sâu vào các nhóm giải pháp, nhằm nâng cao tính thực thi chương trình. Theo đó, ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, trong nhóm giải pháp thứ ba mà Chính phủ đề xuất về đầu tư vào hạ tầng, thì hoạt động chuyển đổi số là rất quan trọng.
“Chúng ta nói rất nhiều đến 5G, nhưng đến nay vẫn chưa có gì, hay cơ sở dữ liệu quốc gia, nhưng eKYC cho định danh khách hàng, định danh người dân vẫn còn đang rất chậm. Vì thế, rất mong muốn Chính phủ bỏ ra một mức tiền dành cho chuyển đổi số, đó là hạ tầng về mạng quốc gia và hạ tầng 5G, cũng như hạ tầng dữ liệu”, ông Hoè nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định, sau đợt dịch COVID-19, chúng ta càng nhìn thấy việc chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng trong cả khu vực Nhà nước lẫn tư nhân. Tất cả các tổ chức lớn, các tổ chức kinh tế có uy tín đều nói: Một trong những trụ cột phải làm trong tương lai là chuyển đổi số, bên cạnh phát triển bền vững và thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh hướng đến xanh hơn.
Mặt khác, nếu không chuyển đổi số sẽ đứng ngoài cuộc chơi của thương mại quốc tế. Giả sử tất cả các hãng vận chuyển trong ngành logistics đều áp dụng vận đơn điện tử, nhưng chỉ riêng Việt Nam vẫn kiểm tra bằng giấy, thì các đối tác cũng không có giấy tờ để trình và ngược lại, dẫn đến chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi. Tuy nhiên, điều quan trọng trong vấn đề này là làm mới tư duy chính sách. Vì chuyển đổi số không chỉ cần về hệ thống máy tính, điện tử, mà còn cần viết chính sách, quy trình theo ngôn ngữ lập trình của nền kinh tế số.
Ông Hiếu cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế tới đây, ngoài đặt trọng tâm chi tiêu của Chính phủ vào hạ tầng cứng như cầu đường, kho bãi, bến cảng,... thì hạ tầng về chuyển đổi số cũng là mục tiêu cấp thiết.
“Nhiều quốc gia họ đều cơ bản thực hiện song song hai việc gồm thực hiện các gói hỗ trợ về tài chính tiền tệ và kèm theo thay đổi các thể chế có liên quan, đặc biệt là tạo ra dư địa về mặt thời gian để thúc đẩy thực thi chương trình hỗ trợ. Ví dụ trong chương trình chung về cải cách thể chế đã có, nhưng phải đặt ra một ưu tiên nào đó cần làm trong năm nay, như xóa bỏ các rào cản về xây dựng hạ tầng số, hay ý tưởng kinh doanh mới liên quan đến công nghệ,...
Tuy nhiên, khi cải cách thể chế cũng phải thay đổi tư duy, không phải số hóa một thủ tục hành chính đã có, mà phải thiết kế thủ tục hành chính trên nền tảng kiến thức số, kinh doanh số, cuộc sống số, từ đó mới có quy định mới. Ví dụ, tại Brazil, những người làm chính sách phải hiểu kinh doanh số như thế nào, cuộc sống số ra sao và từ đó có chính sách phù hợp, chứ không lấy quy định hiện tại rồi số hóa, coi việc nộp hồ sơ qua mạng là chuyển đổi số thì không đúng”, ông Hiếu phân tích.
>>Giải toả tâm lý lo lạm phát, sớm thúc đẩy chương trình phục hồi kinh tế
Bổ sung thêm vào các ý kiến trên, ông Phạm Xuân Hoè cho biết thêm, Thủ tướng vừa qua đã tham dự Hội nghị COP26 tại Anh và đưa ra cam kết Zero Carbon vào năm 2050. Do đó, trong chương trình lần này, khi bỏ tiền ra để kích cầu thì phải hướng đến nền kinh tế xanh hơn, sạch hơn. Bởi vì bên cạnh câu chuyện ưu tiên đầu tư hạ tầng số, thì còn hạ tầng về năng lượng sạch, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, sạch hơn, bền vững hơn.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã có những quyết sách rất mạnh về việc chuyển sang năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối,... để tránh câu chuyện các nước phát triển sẽ đánh thuế carbon vào hàng hóa và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
“Như vậy, để doanh nghiệp sẽ phát triển xanh hơn, bền vững hơn, thì Chính phủ phải là người kích cầu trước, phải có chính sách đấu thầu xanh, ưu tiên cho những doanh nghiệp làm xanh, sạch sẽ được điểm cao hơn khi tham gia thị trường mua sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Trong khi đó, chính sách về tài chính vẫn chưa có câu chuyện đó, cùng với câu chuyện về tín dụng xanh”, ông Hoè bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè khuyến nghị một số điểm đáng lưu ý như:
Thứ nhất, NHNN cần phải nghiên cứu và có cơ chế tái cấp vốn ưu tiên đối với các bộ hồ sơ cho vay với các dự án xanh của các NHTM.
Thứ hai, NHNN sử dụng công cụ lãi suất tái chiết khấu ưu đãi đối với các trái phiếu xanh của doanh nghiệp, cũng như của Chính phủ.
Thứ ba, cần có cơ chế giảm dự trữ bắt buộc tương ứng với các ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ cho vay xanh từ 10% trên tổng dư nợ trở lên.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 08/01/2022
10:30, 07/01/2022
13:38, 05/01/2022
16:05, 11/11/2021